Nếu không tiện lợi, xe đạp công cộng khó “sống”

“Nhiều TP lớn trên thế giới đã phát triển loại hình xe đạp công cộng. Các trạm cho thuê xe thường nằm ở các khu đầu mối giao thông (ga tàu, bến xe), các điểm du lịch, thể thao, hành chính… để phục vụ người dân và du khách. Tại đây, người dân có thể bỏ tiền lấy thẻ thuê xe hoặc dùng thẻ tín dụng lấy xe và sau đó có thể trả xe ở bất kỳ trạm nào” - TS-KTS Ngô Viết Nam Sơn dẫn chứng khi nói về loại hình xe đạp công cộng (Pháp Luật TP.HCM ngày 10-2).

Phải có làn đường riêng

Theo TS-KTS Nam Sơn, xe đạp có tốc độ di chuyển chậm nên phải có tuyến đường dành riêng. Ở nước ngoài, các tuyến đường lớn đều có làn đường riêng cho xe đạp, còn ở các đường nhỏ thì xe đạp được phép đi trên vỉa hè. Tuy nhiên, vỉa hè, lòng lề đường ở TP.HCM, Hà Nội… bị lấn chiếm tràn lan nên sẽ rất nan giải nếu muốn có đường riêng cho xe đạp. “Chưa kể với thói quen lấn tuyến, xe máy đi vào làn của ô tô… phổ biến hiện nay, việc kẻ vạch, chia đường riêng cũng rất khó đảm bảo các loại xe khác tuân thủ” - ông Sơn nhận xét.

Là người nhiều năm sử dụng xe đạp nhưng ông Nguyễn Minh Thông (quận 3, TP.HCM) cho biết hiện ở TP chỉ có một phần của đường Pasteur và đường Trần Hưng Đạo có làn đường dành riêng cho xe đạp. Do vậy, việc đi lại bằng xe đạp rất vất vả, không an toàn do phải chen lấn vào phần đường đi của xe máy.

TS Phạm Sanh (ĐH GTVT TP.HCM) nhìn nhận: “Nếu không đảm bảo về điều kiện an toàn, hạ tầng, tiêu chuẩn kỹ thuật đường cho xe đạp; đồng thời tạo được sự tiện lợi, như giữ khoảng cách 400-500 m có một trạm cho thuê xe để người dân có thể lấy, trả xe thì xe đạp công cộng khó thể “sống” được”.

Theo TS Phạm Sanh, xe đạp công cộng so với các phương tiện khác chỉ chiếm tỉ lệ thấp và nên ưu tiên cho xe buýt, metro…Ảnh: HTD

Xe đạp công cộng chỉ là giải pháp nhỏ

“Hiện có 180 TP trên thế giới có loại hình xe đạp công cộng, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, ở các nước họ chuyển từ ô tô sang xe đạp sẽ thuận lợi hơn nhiều so với ở ta chuyển từ xe máy sang xe đạp (đều là hai bánh)” - TS Sanh băn khoăn.

TS-KTS Nam Sơn lại cho rằng trong điều kiện hiện nay TP.HCM vẫn có thể áp dụng mô hình xe đạp công cộng nếu tính toán đến những yếu tố cụ thể. “Ví dụ xác định đối tượng là người làm việc ở khu vực trung tâm và du khách. Từ đó, các trạm cho thuê xe đạp phải nằm ở các vị trí gần bến xe buýt, khu vực chợ Bến Thành. Ban đầu, TP áp dụng ở một số tuyến đường ở trung tâm, sao cho các tuyến này tạo thành một tuyến đường vòng đến một số điểm quan trọng rồi nhân rộng. Nhưng dù sao thì tiền đề quan trọng vẫn là phát triển giao thông công cộng như xe buýt, metro. Trong đó, mô hình quy hoạch lý tưởng mà thế giới đang cố gắng thực hiện là chỉ cần đi bộ năm phút là đến được các trạm xe đạp, xe buýt…” - TS Sơn nói.

TS Phạm Sanh đồng tình: “Xe đạp công cộng chỉ phát triển đến mức nhất định và sản lượng so với các phương tiện khác chỉ chiếm tỉ lệ thấp. Đây chỉ là loại hình làm tăng tính kết nối. Việc giải quyết bài toán giao thông vẫn là các phương tiện công cộng sản lượng lớn, đi các tuyến dài như xe buýt, metro, xe điện mặt đất…”.

MINH PHONG

 

Khó nhất là bến bãi

Trong tổ chức giao thông, chúng ta chưa tính đến việc dành một đường riêng cho xe đạp. Bên cạnh đó, hiện chúng ta mới đáp ứng được khoảng 0,3 % nhu cầu về các bãi gửi xe. Các phương tiện giao thông công cộng lớn hiện chỉ chiếm 10%, trong khi yêu cầu phải là 70%-80% mới đáp ứng được nhu cầu của người dân. Khi đạt được mức này rồi thì phát triển xe đạp cũng dễ. Đầu tư một chiếc xe đạp không phải là khó, khó hơn cả là bến bãi đáp ứng cho nó.

TS-KTS ĐÀO NGỌC NGHIÊM, nguyên Giám đốc Sở QH&KT TP Hà Nội

Chỉ phù hợp với những TP nhỏ

Các nước khác thường sử dụng xe đạp tại những TP nhỏ và điều kiện giao thông tốt. Còn ở TP.HCM hay một số TP ở nước ta có diện tích lớn, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư nên việc di chuyển bằng xe đạp rất khó khăn. Bản thân tôi trong một ngày tôi phải dạy ở hai nơi là quận 5 và quận 12. Nếu dùng xe đạp rất mất thời gian, tôi cũng không đủ sức khỏe. Tôi chỉ dùng xe đạp khi nào cảm thấy nó đem lại lợi ích thiết thực cho bản thân và xã hội.

Bà NGUYỄN THỊ PHƯỚC, giảng viên Trường CĐ Phát thanh
- Truyền hình II

Nên phát huy những phương tiện công cộng sẵn có

Tại các TP của nước ta đều có xe buýt công cộng, chúng ta chưa khai thác hết thì đừng vội đưa ra mô hình khác. Nói sử dụng xe đạp sẽ làm giảm kẹt xe cũng chưa chắc, bởi diện tích chiếm dụng mặt đường của một chiếc xe đạp cũng bằng xe máy. Khi xe đạp lưu thông chung với các phương tiện khác, nếu xảy ra kẹt xe thì sẽ trầm trọng hơn vì xe đạp gọn, nhẹ, người dân dễ chen lấn vào những chỗ trống.

Ông TRẦN THANH PHONG, phường 7, quận 5, TP.HCM

Khó thực hiện

Người dân chủ yếu đang dùng xe máy, nếu chuyển qua dùng xe đạp thì một gia đình ba người không thể đi hết trên cùng một xe. Nếu thay vì đi trên một xe máy, họ lại đi hai xe đạp thì lại làm tăng thêm phương tiện cá nhân. Đây là điều cần phải tính toán kỹ.

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, phường Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM

V.THỊNH - M.QUÝ ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm