Cần ưu tiên đẩy nhanh tiến độ sản xuất vaccine nội địa

Chiều 4-1, tại kỳ họp bất thường của Quốc hội (QH) khoá XV, các đại biểu đã thảo luận ở tổ về dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tại điểm cầu TP.HCM, nhiều đại biểu (ĐB) quan tâm đến việc đầu tư cho ngành y tế để đủ sức phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.

dbqh-tphcm-vaccine-trong-nuoc

Đoàn ĐBQH TP.HCM họp phiên thảo luận tổ, chiều 4-1. Ảnh: LÊ THOA

ĐB Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành uỷ TP.HCM, cho rằng ngành y tế cần có sự hỗ trợ, củng cố quyết liệt cả về vật chất lẫn tinh thần vì đây là ngành chịu tải lớn nhất trong hai năm vừa qua. “Các đồng chí làm việc, hy sinh, có những cái không thể nói hết mà phải dùng thống kê mới thấy họ cực như thế nào” – ĐB Nhân nói.

Dẫn chứng cho việc này, ĐB Nhân cho biết trước tháng 5-2021, cả nước có 16 tháng chống dịch với 3.000 người nhiễm; từ tháng 5-2021 đến nay có hơn 1,7 triệu người nhiễm COVID-19 trong tám tháng. Tức số người nhiễm bình quân 1 tháng so với giai đoạn trước gấp 1.100 lần, tương đương với cường độ làm việc của ngành y tế tám tháng cuối năm 2021 cũng gấp giai đoạn trước 1.100 lần; còn điều trị người nhiễm nặng cũng rất vất vả, thể hiện qua số người chết vì COVID-19.

“Ngành y tế phải đương đầu với khối lượng công việc gấp hơn 1.000 lần nhưng năng lực không tăng được 10 lần”- ĐB Nhân nhấn mạnh và cho biết phải đầu tư bổ sung để ngành y tế đủ sức thích ứng, điều trị, phòng ngừa dịch trong thời gian tới.

dbqh-nguyen-thien-nhan-vaccine-trong-nuoc

ĐB Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành uỷ TP.HCM, nhìn nhận nếu đổ hết phí xét nghiệm lên người dân thì rất vất vả. Ảnh: LÊ THOA

Ông tiếp tục dẫn chứng vào tháng 10-2021, qua khảo sát ba bệnh viện (BV) tại TP.HCM thì các BV đều cho biết cơ bản không mua trang thiết bị phục vụ chống dịch, không dám đấu thầu vì ngại. ĐB Nhân đề nghị nơi đấu thầu tập trung nên là Bộ Y tế.

Về nhân sự, ĐB Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nên để ngành y tế đề xuất thật kỹ sau khi thấy số nhân viên y tế giảm trong hai năm chống dịch. “Mình càng chiến đấu thì phải mạnh lên, còn đây lại càng thất thoát” – ĐB Nhân trăn trở.

Về tiêm vaccine, ĐB Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề cần thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước. “Riêng năm 2022 này, nếu tiêm mũi 3, mũi 4 thì đã là 175 triệu liều, mà nhiều nơi trên thế giới cũng sắp tiêm mũi 3, mũi 4 nên đã đặt hàng hết rồi, mua không phải dễ” – ông nói và cho biết phải ưu tiên khuyến khích làm vaccine trong nước thật sớm.

Nguyên Bí thư Thành uỷ TP.HCM đề xuất Bộ Y tế sử dụng có kiểm nghiệm các loại thuốc gắn với thảo dược trong nước như Xuyên tâm liên, thanh cao hoa vàng để điều trị COVID-19 và có sơ kết vì những loại thuốc này rẻ hơn nhiều so với thuốc nhập khẩu.

Ông cũng nhìn nhận nên xác định trạng thái nhiễm COVID-19 hơi cao nhưng không đến mức dịch ở năm 2022 đạt mức nào để bộ máy sẵn sàng trong tình huống đó. Theo ĐB Nhân năng lực của ngành y tế cả nước phải sẵn sàng 70.000 người nhiễm/tháng để tránh bị động. Đồng thời có kế hoạch không để thiếu oxy, máy thở.

Đáng chú ý, ĐB Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nhà nước đã lo vaccine cho người dân tiêm miễn phí. Tuy nhiên ai chịu phí xét nghiệm thì nên bàn rõ. “Nhà nước đến đâu, người dân đến đâu, doanh nghiệp đến đâu, vì còn chung sống với dịch nên nếu đổ hết lên người dân, nhất là công nhân thì vất vả lắm” – ĐB Nhân nói và kiến nghị nên để Bảo hiểm y tế chi trả, đừng để người dân, doanh nghiệp loay hoay.

-thi-bach-tuyet-vaccine-trong-nuoc

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, kiến nghị đẩy nhanh việc sản xuất vaccine trong nước. Ảnh: LÊ THOA

Còn ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, nêu ý kiến rằng cần bố trí ngân sách ưu tiên cho việc nghiên cứu, hoàn thiện sản xuất vaccine trong nước. ĐB Tuyết cho rằng, với quy mô dân số hiện nay, nếu chủ động được việc sản xuất vaccine thì sẽ chủ động chống dịch tốt hơn.

Theo ĐB Tuyết, việc tiêm ngừa COVID-19 phải được thực hiện hàng năm để phòng bệnh. Nếu chủ động được nguồn vaccine trong nước sẽ làm tốt việc bảo vệ sức khỏe của người dân. Bà khẳng định cần phải ưu tiên nguồn ngân sách cho việc này.

Bên cạnh đó, ĐB Tuyết nhìn nhận cần rà soát lại quy định để vaccine nghiên cứu trong nước có thể được thông qua. Trong kỳ họp trước của QH khoá XV, ĐB có được nghe về tiến độ sản xuất vaccine của hai công ty trong nước nhưng đến giờ thì chưa nghe được thông tin gì mới.

“Chính phủ, Bộ KH&CN không nói gì tiếp. Bộ Y tế cũng không nói nên không biết là chất lượng không tốt hay vướng mắc ở đâu, khâu nào. QH, Chính phủ cần quan tâm để có sự chủ động hơn về vaccine” – ĐB Tuyết nêu.

DN hỗ trợ chống dịch nhưng khi khen thưởng thì căn ke từng chút

ĐB Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.HCM, nhớ lại trong đại dịch COVID-19, công tác phòng chống dịch của TP đã được sự hỗ trợ bằng hiện vật của doanh nghiệp và người dân.

Do đó, cần có chính sách miễn giảm thuế đối với doanh nghiệp, người dân có sự hỗ trợ từ thiện xã hội, động viên kịp thời, kể cả khen thưởng. Nhất là doanh nghiệp có hành động cứu người.

“Bởi vì lúc đó ngân sách chúng ta chưa ra kịp tiền để mua mấy triệu liều vaccine mà chỉ có doanh nghiệp mới có thể thực hiện việc này, rồi mua trang thiết bị với hàng ngàn máy thở, ecmo…” – ĐB Châu nói.

Theo ĐB Châu, khi chúng ta chống dịch như chống giặc thì chúng ta kêu gọi sự hỗ trợ từ người dân, doanh nghiệp; sự khó khăn, đau khổ của người dân được doanh nghiệp đồng lòng, hỗ trợ, thậm chí xông pha ra tuyến đầu. “Tuy nhiên khi khen thưởng thì căn ke từng chút vào những quy định của thi đua khen thường” - ĐB Châu nói và nhìn nhận nếu lúc đó doanh nghiệp cần việc khen thưởng này thì họ sẽ không đứng ra hỗ trợ. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm