Cảng biển Việt Nam đã tiếp nhận được tàu trọng tải lớn nhất thế giới

(PLO)- Bộ GTVT sẽ tập trung khai thác hiệu quả vận tải biển nội địa nhằm giảm tải cho đường bộ, góp phần giảm chi phí vận tải.

Chiều ngày 22-3, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chủ trì Hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa năm 2024.

Tại đây, nhiều kiến nghị từ các doanh nghiệp đã được Bộ GTVT giải đáp, tiếp nhận để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp hàng hải và đường thủy nội địa.

Việt Nam có 3 trong 50 cảng container lớn nhất thế giới

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang cho biết Hội nghị đối thoại doanh nghiệp là hoạt động thường niên của ngành GTVT, đây là cơ hội để Bộ GTVT, các bộ ngành và địa phương ghi nhận các ý kiến đề xuất, các sáng kiến của Hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó, đề xuất các giải pháp, sáng kiến nhằm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng cảng biển, vận tải, dịch vụ logistics, phát triển đội tàu vận tải.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chủ trì Hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa năm 2024.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh Việt Nam có lợi thế bờ biển dài, sông ngòi dày đặc. Hiện ngành hàng hải và đường thuỷ nội địa có vai trò quan trọng trong lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Đây là phương thức vận tải có chi phí thấp, có khả năng chuyên chở hàng hoá với khối lượng lớn, siêu trường, siêu trọng, đi các tuyến đường xa.

Hiện hệ thống cảng biển Việt Nam đã tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn nhất thế giới, thu hút được 40 hãng tàu lớn trên thế giới qua lại. Đặc biệt, Việt Nam có 3 cảng biển nằm trong danh sách 50 cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới.

Phát triển đường thủy, giảm áp lực cho đường bộ

Tại Hội nghị, Bộ GTVT cũng đã tiếp nhận, giải đáp những thắc mắc kiến nghị từ các đơn vị. Trong đó, Bộ GTVT cũng đưa ra một số giải pháp như: tập trung khai thác hiệu quả vận tải biển, nội địa nhằm giảm tải cho đường bộ, góp phần giảm chi phí vận tải và điều tiết hợp lý cơ cấu thị phần của các loại hình vận tải.

Bên cạnh đó là đẩy nhanh thủ tục tàu thuyền ra, vào cảng, tối ưu hóa công tác xếp, dỡ hàng hóa, thực hiện các giải pháp cho tàu lớn vào cảng nhằm giảm thời gian và tăng cường hiệu quả hoạt động tàu thuyền trong bối cảnh giá cước vận chuyển trên các tuyến trên tăng cao.

Bộ GTVT cũng đề nghị các bộ ngành tiếp tục đồng hành với Bộ GTVT thực hiện các giải pháp. Cụ thể, Bộ Kế hoạch đầu tư hỗ trợ trong công tác thực hiện các quy hoạch ngành, các chính sách về đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển, cảng thủy nội địa, đội tàu vận tải.

Bộ Tài chính xem xét bổ sung các quy định về tăng cường quản lý giá dịch vụ, phụ thu đối với hàng hóa tại cảng biển, phí lệ phí. Đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục hải quan, đặc biệt tại các cảng biển trung chuyển nước sâu, khu vực cảng mở.

Về phía các doanh nghiệp, Bộ GTVT đề nghị tiếp tục đóng góp các sáng kiến mới để thúc đẩy phát triển ngành hàng hải, đường thuỷ nội địa. Đồng thời cần tuân thủ các quy định pháp luật trong quá trình hoạt động, đặc biệt trong lĩnh vực giá, phí và lệ phí.

Nhiều kiến nghị được Bộ GTVT ghi nhận

Tại Hội nghị, nhiều doanh nghiệp kiến nghị nâng tĩnh không cầu để khơi thông đường thủy nội địa; nạo vét luồng tuyến đường thủy nội địa; phát triển làm mới đội tàu; miễn giảm thuế cho doanh nghiệp hàng hải, đường thuỷ nội địa; áp dụng phí hải quan, miễn thuế cho thuyền viên...

Bên cạnh đó là bổ sung danh mục phương tiện vận tải thủy, bởi hiện nay đa số phương tiện vận tải lẻ, manh mún và không đủ mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới