Càng có học thức, càng giấu chuyện bị chồng bạo hành
Ngày 20-8, Ban Chỉ đạo công tác gia đình quận 3, Hội Luật gia quận 3, Hội Liên hiệp phụ nữ quận 3, Chi hội luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM phối hợp tổ chức phiên tòa giả định xét xử hành vi bạo lực gia đình. Phiên tòa nhằm nâng cao nhận thức về quyền và nghĩa vụ của mỗi người đối với việc phòng, chống bạo lực gia đình.
Nạn bạo lực trong gia đình xảy ra giữa các thành viên trong gia đình. Chính vì mối quan hệ gia đình mà nạn nhân dễ dàng tha thứ cho người đã có hành vi bạo lực với mình. Sự tha thứ đó còn để che đậy sự xấu hổ với xã hội. Chính vì lẽ đó mà người gây ra bạo lực càng ngày càng lấn tới dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật về hình sự. Cụ thể, vụ án này là một minh chứng.
Phiên tòa giả định về bạo lực gia đình
Nhậu say, không tiếc tay đánh vợ
Vụ án giả định có nội dung: Tối 2-1, Ngô Huy Sanh đi nhậu về đến nhà, vợ ra mở cửa, la rầy chồng: “Sao đi nhậu mà không nói, để ở nhà phải chờ cơm?”. Hai bên lời qua tiếng lại, bị cáo Sanh nổi nóng dùng tay gạt mạnh vợ để đi vào nhà. Vợ ngã xuống đất nhưng Sanh bỏ mặc và đi vào nhà ngủ. Đến rạng sáng, vợ Sanh phải nhập viện cấp cứu, bị dập lách nên phải cắt bỏ, tỉ lệ tổn thương cơ thể là 35%.
Tại tòa giả định, bị cáo Sanh thừa nhận: "Trong gia đình, tôi là người đi làm kiếm tiền, vợ tôi chỉ ở nhà nuôi con, nội trợ. Những lúc tôi đi làm về mệt mỏi, tôi thấy điều gì không hài lòng như dọn cơm cho tôi ăn trễ, nhà cửa không gọn gàng, sạch sẽ, quần áo tôi mặc, ủi không ngay ngắn, xe tôi đi làm về không rửa sạch sẽ cho tôi… là tôi chửi vợ tôi. Có nhiều chuyện vợ tôi không làm cho tôi hài lòng, hầu như tuần nào tôi cũng chửi vợ tôi ít nhất là 2 3 lần.
Có khi tôi đánh vợ tôi bằng tay chân, khi thì tôi tát, khi thì tôi đá, hoặc khi tôi bực tức thì tôi dùng cái điều khiển tivi, cái chén, cái ly ném vợ tôi"...
Đã gọi nhau là mình sao nỡ xuống tay bạo hành!
Chủ tọa phiên tòa đã phân tích: Phần lớn những người vợ và người mẹ Việt Nam luôn có đức tính hy sinh và chịu đựng. Người chồng lại tự cho mình là người trụ cột trong gia đình, là người làm ra nhiều tiền nên buộc các thành viên khác phải phục tùng mình, kể cả người vợ. Bạo hành trong gia đình có hai dạng, một dạng về tinh thần và một dạng bạo hành về thể xác, trong bạo hành về thể xác có cả bạo hành về tinh thần. Người đầu gối tay ấp của mình, mình gọi là "Mình". Sao mình lại nỡ xuống tay làm tổn thương đến chính thân thể mình.
Chủ tọa phiên tòa đã giải thích cho bị cáo hiểu, bị cáo có hành vi bạo hành gia đình sẽ để lại hậu quả nặng nề:
- Hậu quả đối với vợ bị cáo: về thể chất thì sức khỏe bị hủy hoại, thương tích đau đớn, có thể bị khuyết tật suốt đời. Về tinh thần thì luôn ám ảnh bị bạo lực, chán nản, buồn rầu, lo lắng, sợ hãi, mất tự tin, hoang mang, trầm cảm; cảm thấy cuộc sống nặng nề, căng thẳng và tuyệt vọng.
- Hậu quả đối với chính bị cáo: Phá hỏng mối quan hệ vợ - chồng, cha mẹ - con cái, ông bà-cháu, cảm thấy cô đơn ngay trong gia đình. Nghiêm trọng hơn là bị truy cứu trách nhiệm hình sự, ảnh hưởng đến công ăn việc làm, lý lịch, nhân thân.
- Hậu quả với các con bị cáo: ảnh hưởng đến tâm lý, việc học hành, có thể buổn chuyện gia đình dẫn đến học kém, bỏ học, phạm tội, uống rượu, hút thuốc lá và nghiện ma túy; thiếu tin tưởng vào người lớn; bỏ đi khỏi nhà; có thể có các hành vi bạo lực học được từ bị cáo; chán nản và có ý nghĩ tự tử; thậm chí tự tử.
- Hậu quả đối với gia đình: Ly thân, ly hôn, mất tình cảm; tốn tiền chữa trị và phục hồi sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần cho vợ bị cáo; bị cáo phải chăm sóc gia đình, chịu hậu quả do mình gây ra làm giảm thời gian và năng suất lao động từ đó giảm thu nhập gia đình; ảnh hưởng uy tín, không có khả năng làm tròn bổn phận với gia đình nội, ngoại.
Sau cùng, tòa xử bị cáo có hành vi đánh vợ gây thương tích này tội cố ý gây thương tích, mức hai năm tù cho hưởng án treo.
Nhiều người biết thêm cách sử dụng đúng đắn "lá chắn" pháp luật khi đương đầu với vấn nạn bạo hành…
Người có tiếng tăm hay giấu chuyện bị "người đầu ấp tay gối" bạo hành
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho biết việc tổ chức phiên tòa giả định nhằm nâng cao nhận thức trong việc thực hiện tốt các quy định của Luật Phòng chống bạo lực gia đình, ngăn chặn hành vi ngược đãi, làm nhục người khác cũng như các hành vi bạo lực gia đình, đặc biệt nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân cho phụ nữ. Nhiều người biết thêm cách sử dụng đúng đắn "lá chắn" pháp luật khi đương đầu với vấn nạn bạo hành, như: những quy định pháp luật liên quan đến truy tố, xét xử người có hành vi bạo hành; địa chỉ tổ chức bảo vệ quyền lợi nạn nhân; hay cách trình báo, kêu cứu có hiệu quả…
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ ngày 1-7-2008. Từ đó đến nay, Nhà nước ban hành nhiều văn bản tổ chức thực hiện; tổ chức xã hội, chính quyền địa phương có không ít biện pháp ngăn chặn nạn bạo lực trong gia đình. Tuy nhiên, đây là vấn đề khó vì nạn nhân thường giấu kín sự việc, đặc biệt là đối với những gia đình có học thức, tiếng tăm.
Tổ trưởng dân phố nghĩ rằng việc bạo hành trong gia đình là chuyện riêng nên không can dự. Tuy nhiên, chủ tọa phân tích ngăn ngừa và phát hiện là trách nhiệm của cộng đồng.
Trách nhiệm của cộng đồng
Vụ án giả định có nhân vật là tổ trưởng tổ dân phố nơi vợ chồng bị cáo sinh sống. Bà tổ trưởng này nhiều lần chứng kiến thương tích xuất hiện trên người của vợ bị cáo. Rất nhiều lần, bà nghe bị cáo chửi vợ, cũng có những lần bà thấy bị cáo đánh vợ. Tuy nhiên, bà nghĩ đó là chuyện riêng của gia đình người ta nên không có can dự, cũng không báo công an hoặc chính quyền địa phương biết.
Sau trả lời của bà tổ trưởng dân phố, chủ tọa phiên tòa đã phân tích trách nhiệm của cộng đồng trong việc phát hiện và ngăn ngừa tình trạng bạo hành gia đình: "Bà là người phát hiện bạo lực gia đình, bà phải có trách nhiệm kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc UBND phường nơi bị cáo ở, để cơ quan này có trách nhiệm kịp thời xử lý bị cáo. Nếu bà biết thực hiện việc này sớm thì có thể giúp đỡ được tốt cho gia đình bị cáo, có thể ngăn ngừa được hành vi phạm tội".
(PL)- Rất nhiều người đàn ông vẫn đang bạo hành vợ con mà không có cơ quan nào can thiệp hoặc chế tài được. Bi kịch trong các gia đình đó kéo dài và gần như không lối thoát.