Trong những ngày gần đây, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, nơi tiếp giáp với Trung Quốc đang căng mình để ngăn ngừa dịch bệnh gia cầm và phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm qua cửa khẩu.
Biên giới: Dựng lán trại dã chiến
Hiện lực lượng chủ công cho công tác kiểm soát gia cầm nhập lậu là bộ đội biên phòng ở tỉnh này. Họ đã lập lán dã chiến ngay tại các đường mòn lối tắt khu vực biên giới để ngăn chặn người dân đưa gia cầm nhập lậu vào trong nước. Các khu vực trọng điểm như khu vực Đồn biên phòng Hữu Nghị, Bảo Lâm (huyện Cao Lộc) và Chi Ma (huyện Lộc Bình) rất nhiều lán dã chiến và lực lượng biên phòng túc trực suốt ngày đêm.
“Từ trước tới nay chưa bao giờ các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn lại căng toàn bộ lực lượng để phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm qua cửa khẩu cũng như gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm qua biên giới như hiện nay” - một chiến sĩ Đồn biên phòng Bảo Lâm nói.
Theo quan sát của chúng tôi, hiện tình hình khu vực biên giới trọng điểm khu vực Bảo Lâm và Hữu Nghị thuộc huyện Cao Lộc không thấy tình trạng vận chuyển gia cầm nhập lậu. Đây là điều khá lạ vì cùng thời điểm này những năm trước, khu vực này khá nhộn nhịp việc vận chuyển gia cầm qua biên giới.
Một lán biên phòng dã chiến tại đường mòn Kéo Lạc Vài, khu vực thôn Co Luồng, xã Bảo Lâm, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn. Ảnh: MINH ANH
Trung tá Phan Thái Hà, Đồn trưởng Đồn biên phòng Bảo Lâm, nói: “Chúng tôi đã tăng cường quân số chốt chặn tại các khu vực đường mòn lối tắt. Vì thế tình trạng thẩm thấu gia cầm nhập lậu vào khu vực nội địa cũng như xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới giảm hẳn”.
Cùng với việc căng mình chống gia cầm nhập lậu, ngành y tế tỉnh này cũng chuẩn bị các thiết bị nhằm phát hiện bệnh tại các khu vực cửa khẩu chính như Hữu Nghị, Ga Đồng Đăng, Tân Thanh, Chi Ma để khi phát hiện người nhập cảnh mắc bệnh truyền nhiễm liên quan tới các chủng virus từ gia cầm sẽ yêu cầu quay trở về hoặc đưa vào khu cách ly tập trung để theo dõi.
Trong nước: Cục Thú y lập chín đoàn công tác
Cục Thú y cũng vừa thành lập chín đoàn công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hà Nội để kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là virus H7N9 có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam trong thời gian tới.
Dự kiến đầu tuần tới Bộ trưởng Cao Đức Phát sẽ ký ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện “Kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp đối với các chủng virus cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người”.
Tại Quảng Ninh, địa bàn có nhiều cửa khẩu tiếp giáp với biên giới Trung Quốc - nơi đang bùng phát dịch cúm A/H7N9 đã có cuộc họp khẩn do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Huy Hậu chủ trì với các ban, ngành của tỉnh để bàn biện pháp ứng phó. Theo đó, địa phương này đã tiến hành thành lập sáu chốt kiểm soát liên ngành tại các vùng giáp ranh để kiểm soát gia cầm vào địa bàn; đặc biệt là kiểm soát nhập lậu gia cầm trên các tuyến biên giới. Tỉnh giao các địa phương giáp với các tỉnh lân cận và có đường biên giới với Trung Quốc cần chủ động, tăng cường các chốt, trạm kiểm dịch; tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ. Đồng thời, khuyến cáo người dân phối hợp với cơ quan thú y chủ động sử dụng hóa chất khử trùng và vaccine phù hợp.
NHÓM PV- CTV
Các địa phương đối phó với cúm TP.HCM: TP chỉ đạo Sở Y tế chủ trì việc kiểm tra các cơ sở cung cấp suất ăn nấu sẵn, bếp ăn tập thể, trường học, nhà hàng, quán ăn... và xử lý các trường hợp sử dụng sản phẩm gia cầm không nguồn gốc. Các ngành liên quan kiểm tra, giám sát tình hình vận chuyển, kinh doanh gia cầm tại những khu vực giáp ranh, chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh. Cần Thơ: Ngày 14-2, UBND TP Cần Thơ họp trực tuyến đột xuất với các sở/ngành và quận/huyện. Theo đó, các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra việc nuôi gà đá, gà kiểng trong khu dân cư và nội thị. Đà Nẵng: Dù chưa phát hiện dịch cúm trên đàn gia cầm nhưng TP Đà Nẵng đã thành lập các đoàn công tác về từng địa phương để kiểm tra, chỉ đạo việc chống dịch, đặc biệt là khu vực giáp ranh với tỉnh Quảng Nam. Ninh Thuận: Gà của nhiều hộ chăn nuôi ở TP Phan Rang-Tháp Chàm bị chết hàng loạt. Ngoài ra, gia cầm tại các huyện Ninh Sơn, Bác Ái đang có hiện tượng chết dần. Ngành thú y đã thu thập mẩu bệnh phẩm để xét nghiệm. Vĩnh Long: Huyện Vũng Liêm phát hiện ba điểm nhiễm virus H5N1 trên đàn vịt. Cơ quan chuyên ngành đã khoanh vùng và tiêu độc khử trùng. Phú Yên: Chiều 14-2, cơ quan chức năng huyện Đông Hòa đã tiêu hủy hơn 2.000 con vịt của hai hộ dân ở xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa vì dương tính với virus cúm A H5N1. Ba trong tám tỉnh công bố dịch cúm A/H5N1 Cục Thú ý cho biết đến ngày 14-2, cả nước có tám tỉnh Quảng Ngãi, Nam Định, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hòa, Long An và Đắk Lắk có dịch cúm gia cầm. Theo thông tin của chúng tôi, có ba tỉnh công bố dịch là Long An, Đắk Lắk và Khánh Hòa. Tại Long An, dịch cúm gia cầm xảy ra tại xã Bình Quới huyện Châu Thành và xã Quế Mỹ Thạnh huyện Tân Trụ. Các địa phương lân cận được đưa vào diện bị uy hiếp. Tại Đắk Lắk, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại ba xã Hòa Thắng, Ea Uy, Ea Wer thuộc TP Buôn Ma Thuột, huyện Krông Pắc và huyện Buôn Đôn. Ngày 14-2, UNND tỉnh Khánh Hòa đã công bố dịch cúm gia cầm tại thị xã Ninh Hòa. Theo thống kê, đã có 7/27 xã, phường của thị xã Ninh Hòa có dịch cúm gia cầm và số gà, vịt đã tiêu hủy trên 12.000 con. Hiện UBND thị xã đã lập tổ công tác liên ngành gấp rút đi kiểm tra, lập các chốt kiểm dịch, khoanh vùng nơi có dịch bệnh xuất hiện để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh. Bốn người nhiễm cúm A/H1N1 Chiều 14-2, BV tỉnh Khánh Hòa cho biết cả bốn bệnh nhân nghi nhiễm cúm đều dương tính với cúm A (H1N1). Ngoài một bệnh nhân đã chết chiều 13-2, ba bệnh nhân còn lại đang được điều trị tích cực tại bệnh viện. Trong đó một bệnh nhân đang suy hô hấp nặng, phải thở máy. |