Ở Hà Nội, một chuỗi sự kiện mang tên Ký ức Hà Nội cũng đã được diễn ra. Chuỗi sự kiện ấy không chỉ tái hiện một thời Hà Nội của những ngày khó khăn trong các khu tập thể cũ, mà điểm nhấn của nó chính là tái hiện một cách sinh động bữa cơm thời bao cấp.
Ấy là bữa cơm có những đĩa cá được kho thật mặn để có thể ăn được nhiều ngày, có cả những nồi cơm được độn sắn vào cho đầy nồi. Dĩ nhiên cơm bao cấp của thời nay ngon hơn nhiều so với cơm thời bao cấp ngày xưa, thậm chí nhà hàng nơi tái hiện bữa cơm này còn đưa bữa cơm nghèo nàn ngày ấy vào thực đơn để phục vụ khách trong và ngoài nước.
Bữa cơm thời bao cấp được tái hiện trở thành thực đơn trong một nhà hàng.
Ở Quán thanh xuân, chương trình mở đầu với chủ đề Mùa chim làm tổlại đưa đến câu chuyện thú vị của những đám cưới thời bao cấp. Những câu chuyện xưa hiện lên sinh động qua những nhân chứng thật, những người đã đi qua một thời gian khó của đất nước với những hoài niệm chan chứa cảm xúc. Nhà báo Hoàng Anh Tú khi ghéQuán thanh xuân đã bày tỏ: “Tôi ngồi trong Quán thanh xuân lại thấy thanh xuân giống như một bảo tàng, phải đi qua rồi mới thấy nó lấp lánh những giá trị. Đủ để vịn vào nó mà đứng lên. Đủ để nhìn về nó mà mỉm cười an yên vượt qua giông bão”.
Ký ức hay thanh xuân đều là những gì mà chúng ta đã bước qua. Người ta vẫn nói chỉ có thể chèo lái được tương lai nhưng không có ai có thể sửa chữa được ký ức. Cũng đúng thôi, khi con người được nếm trải những thênh thang cuộc sống và thừa mứa vật chất, khi đó người ta có nhu cầu hoài niệm nhiều hơn. Hoài niệm để trân quý những gì mình đã có. Hoặc hoài niệm theo cách của PGS-TS Phạm Thúy Loan khi nhớ lại cuộc sống khốn khó ở những khu tập thể cũ và kết luận rằng: “Chúng tôi ngày xưa định kỳ phải dọn dẹp khu tập thể. Gia đình này luộc sắn chia cho gia đình bên cạnh. Điều kiện thiếu thốn người ta học được sự chia sẻ, yêu thương hàng xóm hơn. Còn bây giờ, chúng ta khó có cộng đồng dân cư trong đô thị, bởi vì cộng đồng dân cư chúng ta quá lớn và mọi người quá tập trung vào đời sống riêng mình”.