Căng thẳng eo biển Đài Loan khiến Mỹ tính toán lại việc dỡ bỏ thuế quan đối với Trung Quốc?

(PLO)- Có nhiều yếu tố, ngoài phản ứng của Bắc Kinh đối với Đài Loan sau khi bà Pelosi tới thăm hòn đảo, đã làm phức tạp các cân nhắc của Mỹ trong việc việc dỡ bỏ thuế quan đối với TQ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hãng Reuters dẫn một số nguồn tin thân cận cho biết các cuộc tập trận của Trung Quốc (TQ) xung quanh Đài Loan trong những ngày qua đã tác động tới cân nhắc của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc liệu có nên loại bỏ một số thuế quan hay áp đặt thêm thuế quan khác đối với Bắc Kinh.

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP

Trong thời gian qua, các cuộc thảo luận nổi lên bên trong chính quyền Mỹ về khả năng và cách thức khác nhau để cắt giảm thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu của TQ mà Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Donald Trump áp đặt, nhằm đối phó tình trạng lạm phát trong nước đang tăng phi mã.

Thuế quan khiến hàng hóa nhập khẩu của TQ trở nên đắt hơn đối với các công ty Mỹ, do đó, khiến sản phẩm có giá cao hơn đối với người tiêu dùng. Trong khi mục tiêu hàng đầu hiện nay của chính quyền ông Biden là đối phó lạm phát trước khi cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 diễn ra.

Chính quyền Mỹ đã xem xét sự kết hợp giữa việc loại bỏ một số thuế quan thông qua việc kích hoạt một cuộc điều tra mới liên quan tới "Mục 301" của Đạo luật thương mại năm 1974 nhắm vào một số lĩnh vực có khả năng bị áp thuế bổ sung và mở rộng danh sách loại trừ thuế quan để hỗ trợ các công ty Mỹ vốn chỉ có thể nhập khẩu một số nguồn cung nhất định từ TQ.

Song cho đến nay, các quan chức Mỹ nói rằng Tổng thống Biden vẫn chưa đưa ra quyết định.

“Tổng thống đã chưa đưa ra quyết định trước khi những sự kiện ở eo biển Đài Loan diễn ra và hiện tại vẫn chưa đưa ra quyết định. Tất cả lựa chọn vẫn còn nằm trên bàn thảo luận. Người duy nhất sẽ đưa ra quyết định là tổng thống và ông ấy sẽ làm như vậy dựa trên những gì có lợi cho chúng tôi” - người phát ngôn Nhà Trắng, bà Saloni Sharma cho biết.

Dù vậy, một số nguồn tin cho hay phản ứng của Bắc Kinh đối với chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vào tuần trước tới Đài Loan đã khiến Washington cân nhắc lại vấn đề trên.

Trả lời phỏng vấn trên kênh Bloomberg TV, Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cho hay nguyên nhân dẫn tới việc chưa đưa ra quyết định dỡ bỏ thuế quan là vì tình hình địa chính trị phức tạp hiện nay.

“Sau chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Loan, tình hình đặc biệt phức tạp. Vì vậy, tổng thống đang cân nhắc các lựa chọn. Ông ấy rất thận trọng. Ông ấy muốn đảm bảo rằng chúng tôi không làm bất cứ điều gì có thể gây tổn hại đến lao động Mỹ và công nhân Mỹ" - bà Raimondo nhận định.

Còn nhiều yếu tố?

Nhiều yếu tố khác, ngoài phản ứng của TQ với Đài Loan, đã tác động tới các cân nhắc của chính quyền Mỹ.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan. Ảnh: AP

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan. Ảnh: AP

Hai nguồn tin nói rằng khi các quan chức Mỹ cân nhắc việc loại bỏ một số thuế quan đối với TQ, Washington đã tìm kiếm sự hồi phục có qua có lại từ Bắc Kinh nhưng bị từ chối.

Khi được hỏi về thông tin trên, phát ngôn viên Đại sứ quán TQ tại Mỹ, ông Lưu Bằng Vũ nói với Reuters rằng quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước đang đối mặt những thách thức “nghiêm trọng”.

"Chuyến thăm [của bà Pelosi] đã phá hoại nền tảng chính trị của quan hệ Mỹ-Trung và chắc chắn sẽ gây ra sự gián đoạn to lớn đối với trao đổi và hợp tác giữa hai bên” - ông Lưu cho hay.

Trong khi đó, một nguồn tin cho biết quyết định đơn phương dỡ bỏ một số thuế quan của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu của TQ đã được hoãn lại, một phần vì Bắc Kinh không cho thấy sự thiện chí trong việc sẵn sàng thực hiện các biện pháp có qua có lại cũng như đáp ứng các cam kết trong Thỏa thuận kinh tế và thương mại Mỹ-Trung (còn được biết đến là thỏa thuận giai đoạn 1).

Thỏa thuận giai đoạn 1 đạt được vào cuối năm 2019, trong đó yêu cầu TQ cam kết tăng cường thu mua 200 tỉ USD hàng hoá thuộc lĩnh vực nông sản, sản xuất, năng lượng và dịch vụ. Tuy nhiên TQ đã không thực hiện đầy đủ các cam kết này như việc tăng nhập khẩu hàng hóa sản xuất của Mỹ lên 77,7 tỉ USD trong hai năm, bao gồm máy bay, máy móc, phương tiện và dược phẩm.

Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) cho biết cho rằng phần lớn thỏa thuận giai đoạn 1 là một sự “thất bại”, sau khi giá trị hàng hóa - dịch vụ Mỹ xuất sang TQ trong năm 2020 chỉ đạt hơn 40% so với chỉ tiêu hai bên thỏa thuận. Bắc Kinh cho biết đại dịch COVID-19 đã tác động đến việc thực hiện thỏa thuận mà nước này cam kết.

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) nói rằng cơ quan này đang trong quá trình xem xét các loại thuế quan mà ông Trump áp đặt và có thể mất vài tháng nữa để hoàn thành. Theo quy định, thuế quan sẽ hết hiệu lực sau bốn năm kể từ lúc áp đặt, trừ khi USTR đánh giá lại.

Danh sách loại trừ

Hiện nay, với việc các phương án giảm thuế hay tăng thuế đều đã bị gạt sang một bên, mọi chú ý của Washington đổ dồn vào danh sách loại trừ.

Chính quyền ông Trump đã phê duyệt danh sách loại trừ thuế quan đối với hơn 2200 danh mục nhập khẩu, bao gồm nhiều thành phần công nghiệp và hóa chất quan trọng, tuy nhiên phần lớn đã hết hạn miễn trừ khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1-2021.

Cho đến nay, Đại diện Thương mại Mỹ, bà Katherine Tai chỉ quyết định khôi phục quyền miễn trừ thuế đối với 352 sản phẩm trong số đó. Các nhóm công nghiệp và hơn 140 nhà lập pháp Mỹ đã kêu gọi bà Tai tăng đáng kể số mặt hàng trong danh sách loại trừ.

Các bước tiếp theo của chính quyền ông Biden có thể tác động đáng kể hàng trăm tỉ USD giá trị thương mại giữa hai nền kinh tế. Nhiều nhóm công nghiệp của Mỹ từ điện tử tiêu dùng và bán lẻ đến ô tô và hàng không vũ trụ đã kêu gọi ông Biden loại bỏ thuế lên tới 25% trong bối cảnh đang vật lộn với chi phí tăng cao và nguồn cung khan hiếm.

Một số quan chức cấp cao, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, lập luận rằng thuế quan được áp dụng đối với mặt hàng tiêu dùng "phi chiến lược" đã làm tăng chi phí một cách không cần thiết cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, trong khi đó việc loại bỏ chúng có thể giúp ngăn ngừa lạm phát lan rộng.

Tuy nhiên, bà Tài cho rằng thuế quan là “đòn bẩy quan trọng” nên được áp dụng để thúc ép TQ thay đổi hành vi thương mại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm