Căng thẳng “giải mã” chuyện thiếu giáo viên mầm non

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, hiện nay toàn TP.HCM có gần 18.000 giáo viên mầm non (GVMN) đang công tác tại 907 trường và 1.469 nhóm lớp với gần 331.000 trẻ. Để đáp ứng được công tác chăm sóc và giáo dục trẻ theo đúng quy định, TP phải tuyển thêm 5.000 GV nữa. Tại buổi làm việc của Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP với Sở Nội vụ về vấn đề giáo dục MN sáng 17-4, ông Bùi Ngọc Âu, Phó Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD&ĐT TP, cho biết Sở đã tuyển nhiều đợt nhưng không có nguồn.

Tuyển hoài nhưng không ra

Theo số liệu từ Sở Nội vụ TP, hết tháng 1-2014, TP có 14.778 biên chế GVMN, đạt tỉ lệ 88,57% so với chỉ tiêu phân bổ. Ông Lâm Trung Nhân, Phó Giám đốc sở này, cho hay có hơn 3.000 GV do các trường tự tuyển làm việc theo hợp đồng. Số này chưa đủ điều kiện để vào biên chế, họ chỉ làm việc trong chín tháng/năm và không được hưởng chế độ, chính sách.

Bà Tô Thị Bích Châu, Phó Chủ tịch UBND quận 4, cho biết quận 4 đang thiếu 80 GVMN nhưng không có cách nào tuyển được, nhiều SV ra trường chọn trường ngoài công lập vì lương cao. “GV làm từ 5 giờ 30 sáng đến 17 giờ 30 chiều nhưng mỗi tháng chỉ hơn 3 triệu đồng, công việc lại quá nhiều, chỉ khâu cho trẻ ăn thôi đã đủ kiểu cho từng trẻ, nào cơm nát, cơm thường, cháo... Họ phải dè xẻn lắm mới đủ trang trải đời sống. Cứ như thế làm sao tuyển cho ra GV được” - bà Châu nói thêm.

Phân tích nguyên nhân, ông Bùi Ngọc Âu cho rằng TP bắt đầu thiếu GV từ năm 2009, khi thực hiện phổ cập MN năm tuổi nên các trường phải dồn GV để đảm bảo chất lượng. Mỗi năm lại có thêm nhiều trường mới, số trẻ ngày càng tăng lên thì ít nhất phải thêm 1.000 GV/năm. Vì quá thiếu, nhiều đơn vị phải tuyển đội ngũ bảo mẫu vào đứng lớp thay thế. Hơn nữa, do thu nhập GV quá thấp, đi sớm về khuya, mỗi tháng làm thêm 200-300 giờ nhưng chỉ được thêm 670.000 đồng/tháng (mẫu giáo là 448.000 đồng). “Chính điều này không thu hút nguồn tuyển sinh, nguồn lao động. Trong khi đó, theo kế hoạch, số GV TP đến năm 2015 là 20.050 và năm 2020 là 27.073 GV thì không biết làm sao để tuyển” - ông Âu nói.

Công việc vất vả nhưng thu nhập thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu GV như hiện nay. Trong ảnh: Cô và trò Trường MN Tư thục Ngôi nhà mơ ước ở quận 7, TP.HCM. Ảnh: PHẠM ANH

Do ngành giáo dục thiếu trách nhiệm!

bà Nguyễn Thị Quyết Tâm chất vấn đại diện Sở GD&ĐT: “Ngành giáo dục phải xác định được bản chất vấn đề là gì chứ không phải nói tại thế này thế kia hay than thở cùng xã hội. Kể lể như vậy ai cũng nói được. GVMN đang rất thiếu nhưng tại sao lâu nay nguồn nhân lực vẫn không dồn về, trong khi sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp, báo chí đã cảnh báo rất nhiều. Hậu quả này là do nhiều năm dồn lại rồi chứ không phải mới, vậy ngành giáo dục đã làm gì rồi hay chỉ kêu than?”.

Đáp lại câu hỏi này, ông Âu nói: “Các trường đào tạo sư phạm vẫn không thể thu hút được sinh viên. Lỗ hổng hiện nay là các trường cũng không có chương trình đào tạo GV cho khối nhà trẻ. Sở đã làm việc để tìm hướng giải quyết. GVMN chỉ cần bằng trung cấp nhưng các trường lại chỉ tập trung cho khối ĐH và CĐ, không mở thêm khối trung cấp nữa nên rất khó”.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm bật lại: “Nói như thế là suy nghĩ tiêu cực, tư duy của giáo dục cần phải xem lại. Nói các trường đào tạo không thể thu hút đầu vào, không có chương trình đào tạo cho khối nhà trẻ là cách nói thiếu trách nhiệm. Các trường có quyền nói như vậy nhưng ngành giáo dục cũng không thể nghe rồi thôi. Rõ ràng sau giải phóng chúng ta làm được, ở đâu cũng có nhà trẻ cho người dân gửi bé nhưng giờ lại nói không có chương trình. Vậy ngành giáo dục đứng ở đâu, đã lên tiếng chưa?”.

Ông Âu cho rằng: Việc chỉ tiêu đào tạo sư phạm ngày càng teo tóp không thuộc thẩm quyền của Sở. Sở đã kiến nghị UBND TP về vấn đề này để ý kiến với Bộ GD&ĐT tăng chỉ tiêu cho khối sư phạm. Đồng thời, Sở cũng đề xuất riêng với TP có chức danh bảo mẫu và cấp dưỡng trong trường MN để tạo môi trường làm việc chất lượng hơn cho GVMN.

Cần có chính sách phù hợp

Đồng tình với ông Âu, ông Lâm Trung Nhân cho biết sẽ làm việc với 24 quận/huyện để trình UBND đề án vị trí việc làm cụ thể cho khối MN. Trong đó, Sở Nội vụ sẽ chấp nhận có chức danh bảo mẫu và cấp dưỡng để họ được hưởng chính sách của TP.

bà Nguyễn Thị Quyết Tâm yêu cầu Sở GD&ĐT và Nội vụ phải nắm được bản chất vấn đề, phác họa cho được thực trạng giáo dục MN đang như thế nào và cần phải làm như thế nào. Các sở phải xây dựng kế hoạch dự báo nguồn nhân lực trong một khoảng thời gian nào đó để có những đề xuất giải pháp hay chính sách với TP, từ thu nhập, môi trường làm việc cho GV… “Phải có chính sách đầu vào thì thị trường lao động mới điều tiết được. Mỗi sở, ngành phải thấy được trách nhiệm của mình trong đó là gì, cái gì đã làm được, cái gì không làm được, cái nào cần phải thay đổi hoặc kiến nghị. Chúng ta có rất nhiều giải pháp trong khả năng của TP, miễn là phải hợp lý. Có như thế mới tháo gỡ được nút thắt của vấn đề” - bà Tâm nhấn mạnh.

PHẠM ANH

 

Đề nghị Sở GD&ĐT hoàn thiện đề án chăm sóc và giáo dục trẻ 6-18 tháng

Ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP, đề nghị ba sở Giáo dục, Nội vụ và Tài chính phải phối hợp chặt chẽ hơn để có kế hoạch tính toán giải quyết vấn đề nguồn nhân lực, nhất là GV cho khối nhà trẻ. Riêng đề án chăm sóc và giáo dục trẻ 6-18 tháng tuổi của Sở GD&ĐT còn nhiều vấn đề chưa rõ. Ông lưu ý Sở phải khẩn trương bổ sung, lấy ý kiến đóng góp từ quận huyện để hoàn thiện lại. Sau đó sẽ trình lại cho UBND TP và gửi cho các đại biểu để chuẩn bị cho kỳ họp chuyên đề vào đầu tháng 5 tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm