Năm học 2014 - 2015, TPHCM thực hiện thí điểm đề án giữ trẻ từ 6 - 18 tháng tuổi ở 8 quận huyện. Tuy vậy, khi năm học mới bắt đầu, số hồ sơ gửi trẻ trong độ tuổi này ở các trường lại vô cùng hẩm hiu.
Chỉ tiêu ít ỏi vẫn thiếu đầu vào
8 quận/huyện tham gia thí điểm giữ trẻ 6 - 18 tháng tuổi gồm huyện gồm Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Tân Phú, Thủ Đức, quận 7, 12. Mỗi quận huyện sẽ thí điểm ở 1 - 2 trường mầm non công lập. Để thực hiện việc thí điểm, các trường đã ráo riết chuẩn bị phòng ốc, nhân sự, đặc biệt là tuyển chọn những giáo viên có nhiều kinh nghiệm, trách nhiệm và yêu thương trẻ để tham gia tập huấn.
Tuy nhiên, trái ngược với sự sẵn sàng đón trẻ của các trường thì thực tế hiện nay, số hồ sơ đăng ký gửi trẻ độ tuổi này rất èo uột. Như ở quận Thủ Đức, đến tháng 7 vừa rồi, ở cả ba trường thực hiện thí điểm, số hồ sơ đăng ký gửi trẻ thấp hơn chỉ tiêu rất nhiều, thậm chí có lớp trong độ tuổi 6 - 12 tháng còn không có nổi một bộ hồ sơ đăng ký.
Cụ thể ở Trường Mầm non (MN) Hoa Mai chỉ tuyển được 3/16 chỉ tiêu với trẻ 6 - 12 tháng tuổi và 3/14 chỉ tiêu trẻ 12 - 18 tháng tuổi; Trường MN Sơn Ca có 16 chỉ tiêu giữ trẻ 6 - 12 tháng tuổi chỉ tuyển được 1; Trường MN Linh Xuân, địa bàn tập trung rất đông công nhân, lao động nghèo chỉ tiêu tuyển trẻ 6 - 12 tháng tuổi là 16 nhưng kết quả tuyển sinh là 0.
Ở quận Bình Tân, 2 trường MN công lập nhận thí điểm là 19/5 và Hoa Hồng, mỗi trường có 32 chỉ tiêu thì đến đầu tháng 8 cả hai đều mới chỉ nhận được 2 hồ sơ đăng ký gửi trẻ 6 - 12 tháng.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở các quận/huyện khác tham gia thí điểm, nơi số lượng trẻ 6 - 12 tháng tuổi được khảo sát đều rất lớn, áp lực dân nhập cư đông. Vậy nhưng đang diễn ra một nghịch lý: chỉ tiêu giữ trẻ trong độ tuổi này khi thực hiện thí điểm vô cùng ít ỏi mà vẫn không được lấp đầy.
Đề án 15 tỷ "chịu thua" nhóm trẻ gia đình?
Giữa tháng 6, kỳ họp thứ 13 HĐND TPHCM khóa 8 đã thông qua Đề án giữ trẻ MN từ 6 - 18 tháng tuổi của UBND TPHCM. Theo lộ trình, sau khi thực hiện thí điểm, sang năm 2015 - 2016 sẽ tiếp tục tục triển khai thêm ở 4 địa bàn, đạt 50% số quận huyện ở thành phố. Tiến tới năm học 2016 - 2017 thực hiện đại trà toàn thành phố. Kinh phí cho thí điểm đề án này là 15 tỷ đồng.
Trong thời gian xây dựng đề án, nhiều ý kiến đã bày tỏ lo lắng thành phố khó có thể xoay xở được trường lớp, đặc biệt là đội ngũ GV để thực hiện việc giữ trẻ từ 6 tháng tuổi. Đến khi những khó khăn này ráo riết được giải quyết thì lại lớp lại vắng trẻ theo học.
Tại Hội nghị công tác chuẩn bị năm học mới giữa UBMTTQ Việt Nam với Sở GD-ĐT TPHCM diễn ra ngày 14/8, bà Đoàn Thị Xuân Phương, Trưởng ban gia đình xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ TPHCM cho hay nhu cầu gửi con của công nhân lao động ở TPHCM rất lớn, nhiều người hết thời gian thai sản phải gửi con về quê nhờ ông bà chăm.
“Tại sao cơ sở trường học khang trang người ta không gửi?”, bà Phương đặt ra vấn đề và cho rằng, quan trọng nhất đối với công nhân lao động chính là thời gian gửi trẻ, họ phải tăng ca, làm đêm, làm việc cả thứ 7, các trường chưa đáp ứng được.
Rồi đến chi phí cũng là điều công nhân phải cân nhắc rất nhiều. Có nhiều gia đình, tổng hai vợ chồng thu nhập chỉ 6 triệu đồng mà phải lo rất nhiều thứ. Ở nhóm trẻ gia đình người ta giữ trẻ từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm, giữa cả ngày cuối tuần, chi phí lại thấp phù hợp với công nhân.
Chị Nguyễn Thị Nhân, làm việc ở một công ty đóng ở quận Bình Tân chia sẻ, con chị được 9 tháng tuổi, sau khi gửi ở nhóm trẻ gia đình một thời gian chị vừa gửi cháu về quê cho ông bà ở Quảng Bình.
Nói đến việc gửi con vào trường học, chưa tìm hiểu kỹ, chị đã lắc đầu: “Con còn nhỏ, hàng ngày để chở đưa đón đi xa cũng rất khó. Vợ chồng tôi toàn tăng ca, làm đêm, làm thứ 7, có khi cả chủ nhật thì chắc không trường nào giữ nổi. Vừa gửi con ở trường, chẳng lẽ phải tìm thêm bên ngoài để gửi?”.
Đề án thí điểm giữ trẻ từ 6 tháng tuổi của TPHCM được đánh giá là nhân văn, hướng tới người lao động gặp khó khăn trong việc tìm chỗ gửi con sau thời gian nghỉ thai sản. Thế nhưng với đặc thù công việc của công nhân thì điều này chưa đủ, chưa giải quyết được vấn đề trọng tâm của họ không chỉ là chỗ gửi an toàn mà còn vấn đề thời gian, chi phí.
Các lợi thế này vẫn thuộc về các nhóm trẻ gia đình, nơi luôn được cảnh báo là nhiều nguy cơ, thiếu an toàn. Trong điều kiện như hiện nay, theo bà Đoàn Thị Xuân Phương, việc bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ chăm sóc trẻ cho đội ngũ bảo mẫu làm việc ở các nhóm trẻ gia đình rất cần thiết.
Thủ tục còn "làm khó" người lao động
Ông Nguyễn Hữu Danh, Hội cựu Giáo chức TPHCM cho rằng, đề án giữ trẻ từ 6 tháng tuổi là một chủ trương cực kỳ nhân văn nhưng thủ tục còn làm khó cho gia đình có nhu cầu, nhất là công nhân. Chúng ta yêu cầu họ phải có hộ khẩu, có KT3 ở thành phố nhưng phần lớn họ là dân nhập cư, chỉ ở diện tạm trú lấy đâu ra hộ khẩu ở thành phố.
Rồi ở trường phát đơn đúng ngày, nhiều phụ huynh không nắm bắt kịp thông tin. Lại nữa, phụ huynh muốn đăng ký phải nghỉ làm để đi nhận đơn, có hồ sơ sức khỏe của trẻ. Nhưng như vậy vẫn chưa được nhận, họ còn phải xin xác nhận tại chỗ làm việc. Tính ra, công nhân phải nghỉ rất nhiều ngày để hoàn thành thủ tục đăng ký nhập học cho con.
“Người có điều kiện, họ không gửi con sớm như vậy đâu. Người cần gửi con là công nhân thì mình phải đơn giản các thủ tục để tạo điều kiện cho họ”, ông Danh nói.
Theo Hoài Nam (Dantri)