Đào tạo giáo viên mầm non gặp khó giữa cung và cầu

Đây cũng là vấn đề bức xúc nhất được đưa ra bàn luận tại buổi làm việc của Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TP với ĐH Sài Gòn và các đơn vị liên quan về vấn đề đào tạo giáo viên mầm non chiều 7-5.

Theo thống kê, từ khi thành lập trường (2007) đến nay trường đã đào tạo hơn 8.000 giáo viên mầm non thuộc các hệ và bậc đào tạo. Trong khi đó, hiện TP đang thiếu 5.000 giáo viên, tính đến năm 2020 sẽ thiếu 17.000 giáo viên.

Lý giải nguyên nhân này, PGS-TS Nguyễn Viết Ngoạn cho rằng nhu cầu TP nhiều nhưng trường lại tuyển sinh theo quy định của Bộ GD&ĐT. Chỉ tiêu các ngành sư phạm ngày càng bị cắt giảm, chủ trương của Bộ cũng tiến tới xóa hệ trung cấp trong các trường ĐH gây khó khăn cho các trường trong việc đáp ứng giữa cung và cầu. “Chủ trương đúng với các tỉnh nhưng thực tế thì không phù hợp. Trường đã làm văn bản kiến nghị lên TP. UBND TP cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ cho trường mở hệ trung cấp nhưng từ năm 2011 đến nay vẫn không được giải quyết”.

PGS-TS Ngoạn cũng nói thêm, lâu nay trường có chương trình đào tạo giáo viên chăm sóc trẻ 3-18 tháng nhưng chỉ là lý thuyết sư phạm vì không có chỗ cho sinh viên thực hành. Hầu hết các trường không có chỗ nhận giữ trẻ ở độ tuổi này khiến hiệu quả đào tạo không cao.

Bật lại những ý kiến này, ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TP, cho rằng: “Việc Bộ không giải quyết kiến nghị của TP là thiếu trách nhiệm với dân và địa phương. Tuy nhiên, nhà trường không thể trông chờ mãi. Biết bao nhiêu giáo viên, chủ trường… ngoài công lập cần được bồi dưỡng sao chúng ta không làm. Tại sao Hội liên hiệp Phụ nữ đứng ra hỗ trợ mở lớp được mà chúng ta có cơ sở, có hệ thống, chuyên môn… lại không làm được?”.

Ông Hùng đề nghị Trường ĐH Sài Gòn kết hợp với Sở GD&ĐT tiếp tục kiến nghị mạnh lên Bộ. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo từ lý thuyết đến thực hành, giải quyết những vấn đề liên quan đến chăm sóc và giáo dục trẻ 6-18 tháng tuổi như giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình… cho tám quận, huyện thực hiện thí điểm trong năm học tới.

PHẠM ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm