TP.HCM cần bố trí vốn kịp thời để xây dựng thêm các trường mầm non; ưu tiên bố trí đất xây dựng các cơ sở mầm non trong các KCN-KCX để đảm bảo chỗ học cho con em công nhân. Đó là kiến nghị của nhiều đại biểu tại hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới 2014-2015 do Ủy ban MTTQVN TP.HCM và Sở GD&ĐT TP tổ chức ngày 14-8.
Học phí 5-6 triệu đồng/tháng sao chịu thấu!
TS Hồ Hữu Nhựt (Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định) cho rằng TP quy hoạch xây dựng các KCN-KCX, khu dân cư nhưng lại quên quy hoạch các khu dịch vụ an sinh xã hội đi kèm nên gây khó khăn cho việc học tập của con em người lao động.
TS Nhựt dẫn chứng ngay như quận 7, KCN mọc lên cả chục năm nay nhưng giờ mới chuẩn bị đất để xây trường mầm non. Việc quy hoạch chú trọng lấy đất xây dựng các tòa nhà rồi lo tìm cách bán với giá cao mà quên đáp ứng nhu cầu giáo dục cho con em. Khi con em đi học chỉ còn cách vào trường ngoài công lập, học phí phải đóng 5-6 triệu đồng/tháng làm sao người lao động chịu thấu. “TP cần có giải pháp lâu dài, điều chỉnh việc quy hoạch để giải quyết trường lớp, áp lực về chỗ học cho con em” - TS Nhựt đề nghị.
Sở GD&ĐT TP.HCM nên tạo điều kiện tốt hơn trong việc gửi trẻ của công nhân. Trong ảnh: Tập cho trẻ tô màu ở Trường Mầm non Hoa Hồng (quận Bình Tân, TP.HCM). Ảnh: P.ANH
Lý giải vấn đề này, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP, cho hay trường lớp luôn là vấn đề nan giải kéo dài hàng chục năm qua của TP. Chỉ tính diện có hộ khẩu thường trú, năm học tới số học sinh (HS) TP tăng khoảng 90.000 em. Ít nhất TP phải cần thêm 3.000 phòng học nhưng năm nay chỉ đưa vào hơn 1.500 phòng học. Vì vậy sĩ số HS trong lớp còn cao, lượng HS được học bán trú và hai buổi/ngày chưa cao, thậm chí một số quận, huyện phải giảm tỉ lệ này để đủ chỗ học cho con em như Gò Vấp, quận 12, Thủ Đức… “Hầu như năm nào TP cũng rất quyết liệt xây dựng trường lớp nhưng vẫn chưa thể đáp ứng trọn vẹn. Hiện hơn 70 dự án trường mầm non đã được TP ghi vốn, chuẩn bị xây dựng. Hàng trăm công trình khác cũng đang được các đơn vị ráo riết triển khai. Ngoài ra TP cũng ưu tiên cho 22 dự án tại các KCN-KCX đang dần khởi công để đáp ứng chỗ học cho con em công nhân” - ông Sơn nói.
Thủ tục nhập học rườm rà
Một vấn đề khác được các đại biểu quan tâm là đề án chăm sóc và giáo dục trẻ 6-18 tháng tuổi mà TP đang thực hiện. Theo đó, trong năm học này có tám quận, huyện được chọn thí điểm thực hiện đề án. Hầu hết các đại biểu đều đánh giá đây là chủ trương đúng đắn và nhân văn của TP. Tuy nhiên, quan trọng nhất là cách thức thực hiện sao cho hiệu quả.
Ông Nguyễn Hữu Danh (Hội Cựu giáo chức TP) bày tỏ ông rất buồn lòng khi qua theo dõi báo chí biết được các đơn vị thí điểm đã chuẩn bị trường lớp để nhận trẻ 6-18 tháng nhưng số trẻ gửi vào còn hạn chế. Theo ông, chủ trương đúng nhưng thực hiện dễ bị vấp. Nguyên nhân chính là do thủ tục đã làm khó phụ huynh, nhất là với công nhân và lao động không có hộ khẩu.
“Chúng ta mở lớp để hỗ trợ cho công nhân nhưng lại yêu cầu có hộ khẩu thì làm sao họ đáp ứng được. Chưa kể thủ tục nhập học rườm rà, nào là canh ngày bán đơn, xin xác nhận của địa phương, đưa con đi khám sức khỏe… Làm xong được hồ sơ thì công nhân phải tốn quá nhiều thời gian, trong khi họ xin nghỉ làm rất khó. Như vậy sẽ dẫn tới bất công, người có tiền thì dễ xin con vào, còn người khó lại càng khó thêm. Sở GD&ĐT phải tạo điều kiện để họ gửi con một cách dễ dàng hơn mới đúng chủ trương TP” - ông Danh đề nghị.
Đồng tình ý kiến này, bà Đoàn Thị Xuân Phương (Trưởng Ban gia đình xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ TP) cho rằng TP đã quan tâm đến con em người lao động thì cũng nên quan tâm đến giờ giấc làm việc của họ. Sở nên có đề án đặc thù cho các KCN-KCX để tạo điều kiện tốt hơn trong việc gửi trẻ của công nhân. Ông Sơn trả lời: “Sở ghi nhận và sẽ kiểm tra lại công tác tuyển sinh trẻ 6-18 tháng tuổi. Tuy nhiên, Sở vẫn khuyến khích gia đình chăm giữ trẻ ở nhà là tốt nhất, chỉ nên gửi con khi thực sự cần thiết hoặc ít nhất từ ba tuổi trở lên”.
PHẠM ANH
Giám sát tiền trường Ngành giáo dục cần tạo mọi điều kiện để 100% trẻ trong độ tuổi phải được đến trường; hạn chế tối đa tình trạng chạy trường, chạy lớp. Ngành giáo dục cũng cần quan tâm hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ở các cơ sở công và ngoài công lập, không để xảy ra tình trạng cấp phép ồ ạt nhưng thiếu quản lý. Ngành phải tìm giải pháp để đào tạo và tuyển dụng đủ giáo viên cho năm học mới. Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp, ngành và các quận, huyện cần chú ý hơn đến các trường có quy mô nhỏ và xuống cấp. Trước mắt, ngành cần sớm có văn bản hướng dẫn về thu, chi các khoản học phí cho năm học mới. Đồng thời cùng các mặt trận tăng cường giám sát, kiểm tra vấn đề thu, chi tiền trường, miễn giảm học phí, tránh gây khó khăn hay bức xúc cho phụ huynh đầu năm học. Bà TRIỆU LỆ KHÁNH, |