Trong hai ngày 12 và 13-12, TAND tỉnh Tiền Giang mở phiên tòa sơ thẩm (lần hai) xét xử vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Trần Thị Tuyết (33 tuổi, ngụ xã Tịnh An, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang).
Vụ án này có 37 luật sư (LS) được tòa chấp nhận bào chữa cho bị cáo Tuyết (34 LS được tòa triệu tập và ba LS xin nhận bào chữa cho bị cáo). Trong ngày 12-12, có 17/37 LS có mặt tại tòa để bào chữa cho bị cáo. Sang ngày xét xử thứ hai (hôm nay, ngày 13-12), số LS tham gia đã tăng lên 25/37.
Bị cáo Trần Thị Tuyết tại tòa.
Vụ án đã nhiều lần đưa ra xét xử và bị hoãn với lý do vắng mặt không lý do của phía bị hại là Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ, vệ sĩ Bảo Định. Tại tòa, các LS bào chữa cho bị cáo Tuyết đề nghị HĐXX có biện pháp áp giải bị hại đến tòa để làm rõ một số nội dung có liên quan trong vụ án. Tuy nhiên, theo tòa, việc vắng mặt có lý do của bị hại không làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử vụ án.
Theo nội dung vụ án, năm 2007, ông Lê Văn Sáu đại diện các thành viên góp vốn của Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ, vệ sĩ Thiên Long (Công ty Thiên Long) bán công ty này cho Trần Văn Lên với giá 200 triệu đồng. Thời gian này Tuyết làm thủ quỹ cho Công ty Thiên Long.
Tháng 8-2008, Lên bán Công ty Thiên Long cho ông Hồ Tấn Định (đã mất) với giá 50 triệu đồng. Cùng thời gian này, Công ty Thiên Long đổi thành Công ty TNHH Dịch vụ vệ sĩ, bảo vệ Bảo Định. Tuyết vẫn tiếp tục được công ty giao làm thủ quỹ. Quá trình hoạt động, Công ty Bảo Định nhiều lần thay đổi giám đốc và kế toán.
Đến ngày 11-4-2013, Tuyết có đơn xin nghỉ việc. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai (Giám đốc Công ty Bảo Định) chỉ đạo kế toán tiến hành đối chiếu chứng từ, sổ sách thì phát hiện tồn quỹ tiền mặt trên sổ quỹ số 1 là 716,5 triệu đồng nhưng Tuyết báo cáo tồn quỹ tiền mặt 1 bị âm 15,5 triệu đồng. Bà Mai đã làm đơn tố cáo Tuyết có hành vi chiếm đoạt 732 triệu đồng của Công ty Bảo Định. Ngày 13-6-2013 bà Mai xin nghỉ việc, bà Nguyễn Thu Cúc lên thay làm giám đốc Công ty Bảo Định và bà Cúc cũng có đơn yêu cầu cơ quan chức năng xử lý hình sự đối với Tuyết.
Tại tòa, bị cáo Tuyết vẫn tiếp tục kêu oan cho rằng bản thân bị cáo không chiếm đoạt tiền của Công ty Bảo Định. Cụ thể, Tuyết khai trước khi làm đơn nghỉ việc, từ ngày 1-7-2010 đến 11-4-2013 Tuyết phải trả các khoản nợ khi chuyển đổi từ Công ty Thiên Long sang Công ty Bảo Định.
Theo lời khai của bị cáo Tuyết, từ tháng 3-2010 đến cuối tháng 6-2010 Công ty Bảo Định hoạt động không hiệu quả, vì vậy các hội đồng thành viên (HĐTV) trong công ty huy động vốn nội bộ từ những người này để góp vào hoạt động của công ty lúc khó khăn. Tuyết sử dụng số tiền mượn này để chi cho hoạt động của Công ty Bảo Định chứ không chiếm đoạt.
Sau đó, Tuyết dùng nguồn lãi của công ty để thanh toán trả nợ cho năm người trong HĐTV của công ty từ tháng 7-2010 đến 31-12-2012 thì hết nợ. Tất cả khoản tiền mượn, Tuyết khai tự nhớ và theo dõi trả không có chứng từ và cũng không được kế toán ra phiếu thu cập nhật vào sổ quỹ để theo dõi công nợ.
Trong khi đó, hồ sơ vụ án thể hiện trong quá trình hoạt động Công ty Bảo Định nhiều lần thay đổi giám đốc và kế toán nên việc ghi chép, quản lý sổ sách, chứng từ kế toán không đầy đủ và chặt chẽ. Khi thiếu tiền chi, lãnh đạo công ty có chủ trương vay mượn trong HĐTV để chi và khi có nguồn thu sẽ thanh toán lại.
Cụ thể, từ ngày 30-6-2010 trở về trước việc vay mượn, chi trả không được đưa vào sổ sách kế toán để theo dõi. Từ ngày 1-7-2010 trở về sau, tất cả khoản thu chi đều được thể hiện bằng chứng từ, hóa đơn có đầy đủ chữ ký của thủ quỹ, kế toán và giám đốc.
Cũng trong thời gian từ 1-7-2010 đến tháng 5-2012, bà Vương Mỹ Huệ (Giám đốc Công ty Bảo Định) chỉ đạo Tuyết cùng kế toán lập và quản lý hai hệ thống sổ theo dõi quỹ tiền mặt: Sổ quỹ tiền mặt số 1 (theo dõi hoạt động thu chi có hóa đơn, chứng từ) và sổ quỹ tiền mặt số 2 (theo dõi hoạt động không có hóa đơn, chứng từ). Tháng 5-2012, bà Huệ xin nghỉ việc, bàn giao nhiệm vụ giám đốc lại cho bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai. Khi nhận nhiệm vụ, bà Mai vẫn duy trì việc ghi chép sổ sách như trước đây.
Tại tòa, bà Huệ thừa nhận việc làm hai hệ thống sổ sách là sai quy định. Tuy nhiên, việc làm này bà Huệ cho rằng bản thân không tự ý làm mà là do sự chỉ đạo của HĐTV công ty. Vấn đề khiến nhiều LS tranh cãi tại phiên tòa là thời điểm bà Mai làm giám đốc là từ tháng 5-2012 đến tháng 4-2013 nhưng đến ngày 6-6-2013 bà Mai mới có đơn tố cáo Tuyết.
Trong phần xét hỏi, bà Mai cũng thừa nhận tại tòa là thời điểm bà Mai tố cáo Tuyết là lúc bà Mai đã nghỉ việc. Bà Mai cho rằng trước đó, qua đối chiếu sổ sách, bà Mai phát hiện trong công việc Tuyết có nhiều sai sót, nhiều lần nhắc nhở nhưng Tuyết không khắc phục. Việc bà Mai tố cáo Tuyết là theo sự chỉ đạo của HĐTV Công ty Bảo Định nhằm gây áp lực để buộc Tuyết phải trả tiền.
Các LS đồng loạt đứng lên phản đối sự vắng mặt liên tục của phía bị hại.
Cũng trong phần xét hỏi ngày 13-12, từ lời khai của các đương sự liên quan đến hoạt động thu chi và tố cáo Tuyết từ phía Công ty Bảo Định, tất cả 25/37 LS có mặt tại tòa đồng loạt đứng lên phản đối sự vắng mặt nhiều lần phía bị hại tại tòa.
Các LS đồng loạt đề nghị tòa triệu tập phía bị hại là Công ty Bảo Định mà người đại diện theo pháp luật của công ty này là bà Nguyễn Thu Cúc đến tòa để đối chiếu một số lời khai có liên quan, tuy nhiên tòa cho rằng phía bị hại có đơn xin vắng mặt có lý do.
Tại phiên xét hỏi ngày 12 và 13-12, qua đối chiếu các lời khai của đương sự và những người làm chứng, các LS cho rằng bị cáo Tuyết có dấu hiệu của sự oan khuất trong khi bị cáo bị bắt tạm giam đến nay đã hơn bốn năm.
Chiều 13-12, phiên tòa đã tạm dừng. Ngày 14-12, phiên tòa sẽ tiếp tục phần xét hỏi và tranh tụng.