Năm 2017, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã triệt phá hàng chục đường dây tách chiết, sản xuất ma túy tổng hợp. Trong đó có vụ triệt phá đường dây tách chiết ma túy từ thuốc thú y nhập khẩu.
Hội nghị tổng kết của lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy.
Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị tổng kết năm 2017 của lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm (ĐTTP) về ma túy do Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy (C47 – Bộ Công an) tổ chức sáng nay, 25-1 tại Hà Nội.
Sản xuất ma túy tổng hợp tăng trở lại
Theo Cục C47, số vụ sản xuất trái phép các chất ma túy ở trong nước tuy không nhiều, gần đây có dấu hiệu tạm lắng, nhưng năm 2017 tình hình sản xuất ma túy tổng hợp trong nước đã gia tăng trở lại. Trong năm qua, lực lượng Cảnh sát ĐTTP về ma túy đã triệt phá hàng chục đường dây tách chiết, sản xuất ma túy tổng hợp.
Trong đó có vụ triệt phá đường dây tách chiết ma túy từ thuốc thú y nhập khẩu. Hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng. Ngoài ra có vụ triệt phá một đường dây sản xuất ma túy tổng hợp lớn nhất từ trước đến nay ở TP.HCM do Trần Ngọc Hiếu (tức Văn Kính Dương) ở Hà Nội cầm đầu. Chuyên án đã thu giữ hơn 200 kg thuốc lắc, 35 kg ma túy dạng bột và ma túy đá chưa thành phẩm, tổng trị giá hơn 200 tỉ đồng.
Đại tá Nguyễn Địch Nam, Phó cục trưởng Cục C47, cho biết tình trạng sử dụng và tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tổng hợp tại các nhà hàng, quán bar diễn biến hết sức phức tạp, nhất là địa bàn các tỉnh, thành phố lớn. Năm qua, lực lượng công an cũng phối hợp với các đơn vị phá thành công nhiều tụ điểm sử dụng ma túy tại các quán bar, vũ trường, quán karaoke…
Theo Cục C47, ma túy tổng hợp là chất gây nghiện thuộc loại nguy hiểm, phá hủy hệ thần kinh, gây ảo giác, khiến người sử dụng không làm chủ hành vi của mình, dẫn đến nhiều hành động gây hại cho chính mình hoặc người xung quanh.
Khi bị “ngáo” ma túy tổng hợp thì người sử dụng không làm chủ bản thân, có thể làm những điều mà người bình thường không bao giờ làm được. Điều đáng lo ngại khi bị “ngáo đá” có thể gây ra hàng loạt các vụ trọng án, giết người không ghê tay, thậm chí giết cả những người thân ruột thịt của mình.
Trong thời gian tới lực lượng Cảnh sát ĐTPT về ma túy sẽ tiếp tục điều tra, triệt xóa các đường dây mua bán ma túy, trong đó có ma túy tổng hợp, ngăn chặn không để ma túy thẩm lậu vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, để phòng chống hiệu quả ma túy cần sự chung tay vào cuộc của các cơ quan chức năng và toàn xã hội. Cần thường xuyên tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân, trong nhà trường, từng gia đình, nhất là giới trẻ về tác hại của ma túy, nhất là ma túy tổng hợp để không xa ngã vào loại ma dược nguy hiểm này.
Tội phạm ma túy biên giới diễn biến phức tạp
Theo Cục C47, năm 2017 tình hình tội phạm ma túy trong nước vẫn diễn biến phức tạp trên các tuyến biên giới Việt – Lào, Việt – Trung, Việt Nam – Campuchia cũng như tuyến đường biển và đường hàng không.
Xưởng sản xuất ma túy đặt tại Đồng Nai do công an TP.HCM triệt phá
Trên tuyến biên giới Việt-Lào, tình trạng các đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển đi nước thứ ba hết sức phức tạp. Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phát hiện, bắt giữ nhiều đường dây mua bán vận chuyển ma túy lớn. Dọc tuyến biên giới Việt-Lào còn tồn tại nhiều điểm “nóng” phức tạp về ma túy như: huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Sông Mã, tỉnh Sơn La; huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên; huyện Mường Lát, Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa; huyện Tương Dương, Quế Phong, Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An…
Trên tuyến biên giới Việt-Trung, hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy diễn biến phức tạp theo hai chiều, heroin được mua bán, vận chuyển từ khu vực Tam giác vàng về Việt Nam rồi tiếp tục vận chuyển sang Trung Quốc, ngược lại các loại ma túy tổng hợp “dạng đá” giá rẻ được mua bán, vận chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam tiêu thụ. Địa bàn trọng điểm là khu vực biên giới các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Ninh. Lực lượng chức năng đã phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn.
Trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, tình hình tội phạm ma túy gia tăng, các đối tượng trốn truy nã người Việt Nam móc nối với đối tượng người Campuchia thường xuyên mua bán, vận chuyển ma túy từ Campuchia vào TP.HCM và các tỉnh phía nam tiêu thụ. Thậm chí ma túy tổng hợp còn được chuyển từ TP.HCM đi các tỉnh phía Bắc tiêu thụ. Đã phát hiện, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp từ Campuchia về các tỉnh phía Nam.
Tuyến hàng không, đường biển vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, nhất là trên tuyến đường biển, các lực lượng chức năng có trách nhiệm phòng chống ma túy trên tuyến này còn nhiều hạn chế nên điều tra bắt giữ rất khó khăn, chưa có hiệu quả.
Thống kê, trong năm 2017, lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 22.346 vụ, 34.494 đối tượng liên quan đến ma túy (nhiều hơn 3.013 vụ, 3.493 đối tượng so với năm 2016). Thu giữ 906,67 kg heroin; 856,9 kg và 979.487 viên ma túy tổng hợp (nhiều hơn 298,86 kg heroin, 17,27 kg ma túy tổng hợp so với năm 2016); 2,39 kg cocain; 167,1 kg thuốc phiện; 376,4 kg cần sa khô; 111,02 kg cần sa tươi; 108,01 kg “cỏ Mỹ”; 17,64 kg Ketamin, 319 khẩu súng và nhiều tang vật có liên quan. |