Do phát hiện trễ trong tình trạng nóng, sốt và viêm cơ tim, đến sáng 13-7, tỉnh Bình Phước đã có ba người tử vong do bạch hầu. Ngoài ra vẫn còn 26 trường hợp bệnh nhân có triệu chứng nóng sốt được cách ly, điều trị tại nhiều bệnh viện.
Ổ dịch bùng phát nhanh
Sáng 12-7, BS Nguyễn Đông Thông, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước, cho biết đã có 29 người cư ngụ ở Bình Phước nhập viện trong tình trạng sốt, viêm amidan.
Ông Thông cho hay căn bệnh xuất hiện từ cuối tháng 6-2016. Đến chiều 12-7, tại đây đã ghi nhận có 29 trường hợp, trong đó có ba trường hợp tử vong có độ tuổi từ 12 đến 24, đều do bị sốt và viêm cơ tim nhưng được phát hiện trễ. Tất cả bệnh nhân này đều cư trú xã Thuận Lợi và xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, Bình Phước. Tuy nhiên, do chưa xác định được đó là bệnh gì nên lãnh đạo Sở Y tế đã gửi tất cả các mẫu đến Viện Pasteur để kiểm tra.
Ngày 13-7, thông tin từ Viện Pasteur TP.HCM cho biết kết quả xét nghiệm ổ dịch và ba nạn nhân tử vong cho bốn mẫu dương tính bệnh bạch hầu, các mẫu khác đang được kiểm tra. Tất cả bệnh nhân đều có triệu chứng giống nhau như sốt, viêm họng, ho, chán ăn.
Bước đầu, Viện Pasteur TP.HCM, Sở Y tế tỉnh Bình Phước và BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã phối hợp xét nghiệm, khử khuẩn vùng dịch bệnh. Đồng thời triển khai các biện pháp nhằm dập tắt ổ dịch bao gồm xét nghiệm, cách ly người bệnh, khử khuẩn vùng dịch bệnh để đánh giá điều trị, dự phòng.
Trẻ em cần được chích ngừa bạch hầu ngay khi còn bé. Ảnh: HÀ PHƯỢNG
Rất dễ lây lan qua không khí
Theo GS-TS-BS Nguyễn Thanh Bảo - khoa Vi sinh BV ĐH Y Dược TP.HCM, bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bất cứ người nào tiếp xúc với mầm bệnh đều có thể mắc bệnh. Thông thường, trẻ 1-10 tuổi là độ tuổi bị nhiều nhất do kháng thể từ người mẹ truyền sang không còn, khả năng miễn dịch thấp.
Vi khuẩn bạch hầu thường gặp nhất ở bệnh viêm họng. Người bệnh khi ho, hắt hơi thì vi khuẩn sẽ phát tán ra xung quanh theo đường không khí hoặc tiếp xúc qua da khi bị trầy xước dẫn đến lây lan vi khuẩn bạch hầu.
Không giống như các vi khuẩn thông thường khác, vi khuẩn bạch cầu gây ra viêm họng, nóng, sốt và nguy hiểm nhất là độc tố của vi khuẩn sẽ theo máu gây ra viêm tim, viêm thận hoặc tác dụng lên hệ thần kinh làm liệt tay, liệt chân, mắt lé, giọng nói có thể thay đổi do bị ngọng thanh quản.
BS Bảo khuyến cáo người dân là khi bị viêm họng thì nên đi khám liền. Nếu khi khám phát hiện thấy màng giả màu trắng ở vòm họng thì người bệnh nên chích ngừa kháng độc tố điều trị để ngăn ngừa biến chứng.
Bộ Y tế yêu cầu tăng cường phòng, chống dịch bạch hầu Ngày 13-7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) có công điện gửi giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu. Theo công điện, từ ngày 22-6 đến nay ghi nhận ổ dịch bạch hầu tại ấp Thuận Tiến, xã Thuận Lợi và ấp Thuận Phú 3, xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú (Bình Phước). Để khống chế ổ dịch, Cục Y tế dự phòng đề nghị giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Phước khẩn trương giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc và các đối tượng nguy cơ… nhằm hạn chế tối đa số trường hợp mắc, biến chứng và tử vong. Bên cạnh đó, Sở cần phối hợp với Viện Pasteur TP.HCM tổ chức tiêm vaccine chống dịch tại khu vực xảy ra ổ dịch. Đồng thời nhanh chóng rà soát, thống kê những người chưa được tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu trên phạm vi toàn tỉnh để tổ chức tiêm. Yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo tất cả trẻ em được tiêm đầy đủ các mũi cơ bản và nhắc lại, đạt tỉ lệ tiêm chủng trên 95%, tránh việc trẻ bị mắc bệnh bạch hầu do tiêm vaccine muộn… “Đối với khu ổ dịch, tổ chức tuyên truyền đến từng hộ gia đình về các biện pháp vệ sinh cá nhân, thường xuyên lau rửa sàn nhà, vật dụng bằng các hóa chất diệt khuẩn thông thường, hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh, đưa các trường hợp có triệu chứng như sốt, đau họng đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị” - công điện nhấn mạnh. ĐỨC MINH ________________________________ Bệnh bạch hầu được phòng ngừa bằng miễn dịch từ khi còn nhỏ, vì vậy cách phòng ngừa hiện tại là cho trẻ được chích ngừa ba lần khi mới sinh ra, mỗi lần cách nhau một tháng, sau đó một năm sau thì chích nhắc lại và sau năm năm thì chích nhắc lại một lần nữa. GS-TS-BS NGUYỄN THANH BẢO, |