Thông tin từ Bệnh viện trung ương quân đội 108 (Hà Nội) cho hay gần đây bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân nhiễm trùng máu do vi khuẩn Vibrio vulnificus (V.vulnificus). Tình trạng bệnh thường diễn biến rất nặng, nhanh chóng xuất hiện sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng và có tỉ lệ tử vong cao.
Đơn cử là trường hợp của bệnh nhân N.V.Đ (sinh năm 1961, ở huyện An Dương, TP Hải Phòng) nhập viện ngày 30-6, trong tình trạng đau vùng thượng vị và quanh rốn, nôn, tiêu chảy nhiều lần kèm sốt cao 39-40 độ C. Được biết bệnh nhân này trước đó có ăn hải sản chưa được nấu chín kỹ và có tiền sử bệnh gan do uống rượu nhiều.
Sau vài giờ nhập viện, bệnh nhân nhanh chóng rơi vào tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng, kèm theo tình trạng nổi ban phỏng nước, xuất huyết, da hoại tử diện rộng, cân, cơ vùng tứ chi. Khi các bác sĩ cấy khuẩn hai mẫu máu, đều cho kết quả bệnh nhân dương tính với vi khuẩn V.vulnificus.
Bệnh nhân N.V.Đ nhập viện trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng. Ảnh: BVCC.
Theo các bác sĩ, dù được điều trị tích cực nhưng bệnh vẫn nặng lên nhanh chóng, tiên lượng tử vong, gia đình xin cho bệnh nhân về sau 4 ngày điều trị.
V.vulnificus là loại vi khuẩn sống tự do trong nước biển và nước lợ vùng cửa sông hoặc ký sinh trong các loài thủy sinh có vỏ như tôm, hàu… Vi khuẩn này có thể gây hoại tử cân cơ rất nhanh, nguy hiểm hơn, bệnh nhiễm trùng máu do vi khuẩn này gây tỉ lệ tử vong cao, lên đến 50 - 90%, do đó còn được mệnh danh là “vi khuẩn ăn thịt người”.
Các bác sĩ cũng cảnh báo ăn hải sản sống hoặc nấu chưa chín kỹ, đặc biệt là hàu có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Theo một thống kê trên 180 bệnh nhân nhiễm loại vi khuẩn kể trên cho thấy có gần 93% có ăn hàu sống trong 2 ngày trước đó.
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, các hải sản như hàu hay các loài động vật nhuyễn thể (ngao hến, hàu, móng tay, tu hài…) sống vùng đáy, ăn bùn, tảo và phù du nên rất nhiều con có thể nhiễm các loại vi khuẩn, ký sinh trùng như sán.
Việc ăn hải sản sống hoặc chưa nấu chín kỹ không những có nguy cơ bị vi khuẩn ăn thịt người tấn công, mà còn có nguy cơ cao nhiễm sán, ngộ độc thực phẩm, nhiễm nhiều loại ký sinh trùng đáng sợ khác.
Theo vị chuyên gia này, nhiều ký sinh trùng chọn cư trú trong vỏ của các loại hải sản. Các ký sinh trùng này không thể được loại bỏ hoàn toàn thông qua việc rửa hoặc nấu nướng đơn giản, nếu không chế biến với nhiệt độ cao mà trực tiếp ăn tái, sống, vô hình sẽ ăn luôn mầm bệnh. Sau khi ăn uống không chú ý có thể sẽ bị nhiễm sán lá gan, sán lá phổi, sán hình lát gừng, và các loại ký sinh trùng khác.
Do đó, để phòng ngừa nguy cơ nhiễm vi khuẩn V.vulnificus đến từ biển, các bác sĩ khuyến cáo người dân không ăn hải sản chưa được nấu chín.
Tránh bị thương khi tham gia các hoạt động có nguy cơ tiếp xúc vết thương với vi khuẩn, như tắm biển, đánh bắt và chế biến hải sản… Đồng thời nên thận trọng khi tiếp xúc vết thương với nước biển, nước lợ, hải sản sống.
Khi thấy có dấu hiệu về đường tiêu hoá, sưng nóng đỏ đau tại vết thương, đau, nổi ban, bọng nước ở chân tay sau khi nghi ngờ có tiếp xúc với nguồn bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị.