Khoa Nhi bệnh viện Nhiệt Đới Trung ương vừa cấp cứu cho một bệnh nhân bị viêm não do giun đũa chó. Người nhà cho biết gia đình không nuôi chó mèo. Cách đó vài hôm cháu có ăn nem chua với rau sống. Sau đó cháu bé kêu đau đầu kèm sốt. Gia đình cho cháu uống thuốc nhưng không đỡ. Lên bệnh viện xét nghiệm, các bác sỹ cho biết cháu bị viêm màng não do giun đầu chó.
Trước đó, bệnh nhân Nguyễn Thị Thoa - 47 tuổi, Từ Liêm, Hà Nội cũng bị triệu chứng sốt, chán ăn, buồn nôn. Ban đầu chẩn đoán viêm não. Sau khi tiến hành các xét nghiệm bác sĩ cho biết chị Thoa bị viêm não do giun đũa chó. Người nhà của chị Thoa cho biết gia đình có nuôi chó mèo. Bác sĩ cho rằng có nhiều khả năng chị bị lây giun đũa chó từ chính việc sờ tay vào con chó hàng ngày.
Giun đũa chó sống ký sinh và phát triển trong ruột chó, mèo. Trứng theo phân ra ngoài, người nuốt phải trứng do vuốt ve hay ôm chó, mèo hoặc chó, mèo phóng uế bừa bãi làm phát tán trứng trong
môi trường. Khi vào cơ thể người, ấu trùng giun theo đường máu chu du đến khắp nơi như não, mắt, gan, phổi… và gây ra các triệu chứng bệnh ở các cơ quan này.
Muốn phòng bệnh không bị nhiễm giun đũa chó, mèo cần giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt. Rửa tay trước khi ăn, không để chó, mèo tiếp xúc trực tiếp hoặc ngủ chung với người. Các gia đình cần thực hiện ăn chín, uống chín, ăn rau sống phải rửa sạch dưới vòi nước chảy. Nhà có nuôi chó mèo thì phải định kỳ tẩy giun cho chó mèo. Bố mẹ không để trẻ chơi lê la dưới đất.
Theo PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, bệnh ở não do ký sinh trùng thường biểu hiện âm thầm, không có tính chất đặc hiệu, diễn biến từ từ tăng dần với biểu hiện đa dạng như sốt âm ỉ kéo dài, đau đầu, nôn, rối loạn ý thức, rối loạn tâm thần, co giật động kinh, gày sút cân.
Kèm theo đó là các biểu hiện đa cơ quan gây tổn thương ở phổi, thận, gan. Hình ảnh tổn thương trên CT scanner hoặc MRI sọ não không điển hình, nên bệnh rễ nhầm với lao màng não, viêm não, đột quỵ não, ung thư...
Ngòai ra, vào mùa hè là thời gian cao điểm của bệnh viêm não nói chung như viêm não do ấu trùng, viêm não Nhật Bản, viêm não do Herpes...
Bệnh viêm não có tỷ lệ tử vong cao, khoảng 10-20% số mắc. Bệnh sau khi chữa trị, vẫn còn hơn 50% trường hợp bị di chứng về thần kinh như bại não,
phát triển chậm về thể chất, không nói, không nghe, không hiểu được. Đối với bệnh viêm não Nhật Bản đến nay, bệnh này vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên tốt nhất các phụ huynh cần chủ động cho trẻ đi tiêm phòng vắc xin.
Theo Khánh Ngọc/Infonet