Cảnh giác chiêu trò gọi video nhận diện khuôn mặt

(PLO)- Kẻ gian dùng những hình ảnh thu thập được để mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử và thực hiện các hành vi phạm pháp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong thời gian qua, những hình thức lừa đảo qua điện thoại, mạng xã hội đã khiến nhiều nạn nhân mất từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Hiện nay, các cơ quan chức năng, báo chí liên tục đưa ra những thông tin khuyến cáo về lừa đảo qua mạng nhưng các đối tượng lừa đảo vẫn liên tục có những chiêu trò tinh vi hơn để lừa đảo người dân.

Mới đây nhất là hình thức lừa đảo gọi video call, yêu cầu người dân xác nhận khuôn mặt để các đối tượng lừa đảo mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Lợi dụng công nghệ giả dạng

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, chị HTTH (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết vừa qua chị phát hiện có người nào đó đã mở một tài khoản ngân hàng với đầy đủ thông tin cá nhân của chị. Tuy chưa có rắc rối nào xảy ra nhưng để đảm bảo an toàn, chị đã báo với phía ngân hàng để tránh rủi ro.

“Tôi có một người chị làm thẩm mỹ viện, tuần trước tôi nhận được cuộc gọi video call của chị này, trong cuộc trò chuyện chị nói muốn xem tình trạng da của tôi, yêu cầu tôi quay cận mặt và di chuyển khuôn mặt quanh màn hình. Do thấy hình ảnh chính xác là chị nên tôi làm theo. Hôm sau, chị này nói bị hack tài khoản Facebook hai ngày rồi. Lúc này tôi mới nhận ra người gọi hôm trước không phải chị, mà là một người khác. Tôi nghĩ những đối tượng này không biết bằng cách nào đã có thông tin cá nhân của tôi, sau đó dùng nhận dạng khuôn mặt của tôi để mở tài khoản ngân hàng” - chị H nói.

Người dân nên cảnh giác với các cuộc gọi video yêu cầu thực hiện các hành động lạ. Ảnh: HUỲNH THƠ
Người dân nên cảnh giác với các cuộc gọi video yêu cầu thực hiện các hành động lạ.
Ảnh: HUỲNH THƠ

Với chiêu thức tương tự, anh TTM (ngụ quận 12, TP.HCM) cũng nhận được cuộc gọi video call từ một người giả mạo người thân. Sau cuộc gọi đó, một ví điện tử trên sàn thương mại điện tử đã được mở với tên của anh dù anh không hề đăng ký.

Anh M cho biết không hiểu vì sao họ vào được tài khoản của sàn thương mại điện tử mà mình hay dùng để mua sắm rồi tạo hẳn một ví điện tử trên đó, tài khoản ngân hàng liên kết ví là của một ai đó, không phải của tôi.

“Tôi nghĩ họ đã dùng hình ảnh gọi cho tôi để vượt qua bước nhận diện khuôn mặt, một bước quan trọng để tạo ví. Sau đó, tôi cũng đã báo với các đơn vị liên quan để tránh phiền phức sau này” - anh M nói.

Dùng chiêu thức mới để không bị nghi ngờ

Trao đổi với PV, ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena, cho biết do phương thức nhắn tin để lừa đảo đã khiến người dân nghi ngờ nên các đối tượng lừa đảo đã chuyển qua những cuộc gọi video. Những người này sẽ chuẩn bị những công cụ, trang phục của các cơ quan công quyền, cơ quan chức năng với mục đích tăng niềm tin cho người tiếp nhận để thực hiện hành vi lừa đảo. Thậm chí họ còn sử dụng công nghệ AI Deepfake gọi video hoặc quay video giả danh người thân của nạn nhân để nạn nhân tin tưởng, làm theo yêu cầu. Sau đó xác nhận khuôn mặt để mở các tài khoản ngân hàng, ví điện tử.

Trước những thủ đoạn này, ông Thắng khuyến cáo người dân khi tiếp nhận thông tin lạ phải bình tĩnh, yêu cầu đối tượng cung cấp thông tin xác thực. Sau đó thẩm định lại thông tin đó xem chính xác không. Nếu là lừa đảo, các đối tượng sẽ né tránh cung cấp hoặc cung cấp sai thông tin.

Liên quan đến sự việc này, Công an TP.HCM cũng đã có cảnh báo đây là thủ đoạn lừa đảo mới. Các đối tượng sẽ gọi video call, sau đó sử dụng nhiều thủ đoạn yêu cầu nạn nhân nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải… để lấy hình ảnh của nạn nhân. Sau đó vượt qua thủ tục KYC (định danh cá nhân - một thủ tục quét khuôn mặt của người dùng) để kích hoạt và mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử bằng hình thức online.

Tài khoản ngân hàng, ví điện tử này có thể được sử dụng vào mục đích lừa đảo hoặc các hành vi vi phạm pháp luật, nạn nhân sẽ trở thành người liên quan vì là chủ tài khoản.

Công an TP.HCM khuyến cáo người dân nên cảnh giác với các cuộc gọi video yêu cầu thực hiện các hành động lạ. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số CMND/CCCD, số tài khoản ngân hàng, mã OTP… cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.

Ngoài ra, cơ quan công an khi làm việc tuyệt đối không thông qua điện thoại hay mạng xã hội.

Nghi ngờ lừa đảo, gọi ngay cho ngân hàng

Để mở được tài khoản ngân hàng theo hình thức KYC, trước tiên người dùng phải tải app Mobile Banking về điện thoại, điền các thông tin cá nhân như số điện thoại, email, tạo mật khẩu, chụp hai mặt của CMND/CCCD. Sau đó, để hoàn tất bắt buộc phải có bước xác thực thực thể sống bằng cách quay các góc khuôn mặt theo hướng dẫn. Việc này để hệ thống xác nhận khuôn mặt và hình ảnh trên CMND/CCCD là trùng khớp.

Thời gian gần đây có hiện tượng kẻ gian dùng hình ảnh sau khi thu thập được từ cuộc gọi video với nạn nhân để làm giả CMND/CCCD, vượt qua thủ tục định danh cá nhân để mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử của nạn nhân. Tài khoản ngân hàng, ví điện tử đó sẽ được các đối tượng dùng với mục đích lừa đảo hoặc thực hiện hành vi phạm pháp.

Để tránh bị sập bẫy kẻ gian, người dân không thực hiện các hành vi như nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải… khi có ai đó yêu cầu.

Khi gặp những tình huống như vậy, khách hàng nên liên hệ với ngân hàng để yêu cầu kiểm tra lại thông tin trên hệ thống. Mục đích để xác định hành vi là lừa đảo hoặc chiếm dụng tài khoản. Qua đó, ngân hàng sẽ tiến hành thực hiện các bước theo quy định như khóa tài khoản, đóng tài khoản...

Ông PHẠM ĐỨC DUY,Giám đốc Trung tâm Quản lý và phát triển sản phẩm kinh doanh khối cá nhân, Ngân hàng Sacombank

THÙY LINH ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm