Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) về tiến độ thực hiện dự án Trung Lương-Mỹ Thuận, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói: "Chúng tôi nhận thức rằng dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận là dự án trọng điểm quốc gia".
Trong nhiều kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận về dự án này. Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã nhiều lần trả lời trước Quốc hội và cử tri cả nước.
“Dự án này vẫn đang triển khai. Tổng mức đầu tư được duyệt của dự án là 9.600 tỉ đồng, trong đó theo quy định, vốn nhà đầu tư tối thiểu phải khoảng 1.500 tỉ đồng” - Bộ trưởng nói và cho biết khi triển khai dự án, nhà đầu tư đã thỏa thuận với Ngân hàng VietinBank cung cấp tín dụng 6.800 tỉ đồng.
Tuy nhiên, do có khó khăn về công tác cấp tín dụng, VietinBank đã cùng với nhà đầu tư vận động thêm một số ngân hàng. Tới tháng 6-2018, liên danh bốn ngân hàng gồm VietinBank, BIDV, VPbank và Agribank đã ký kết hợp đồng tín dụng tài trợ vốn với các ngân hàng để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận giai đoạn 1 theo hình thức hợp đồng BOT.
Đáng lưu ý, theo Bộ trưởng, khó khăn lớn nhất hiện nay liên quan đến quy định tại Thông tư 75 của Bộ Tài chính. Cụ thể, ngân hàng cấp tín dụng được tính với lãi suất khoảng 7,5%. Hiện nay mức mà các ngân hàng cho vay với các công trình tương tự khoảng 10,5%. Đây là một sự chênh lệch rất lớn. Nhà đầu tư hay ngân hàng đều không thể chấp nhận lỗ 3%.
“Bộ GTVT báo cáo Chính phủ về vấn đề này” - Bộ trưởng nói cho biết sắp tới Thủ tướng sẽ chủ trì một cuộc họp giải quyết dứt điểm vấn đề chênh lệch lãi suất. Sau khi Thủ tướng có quyết định về vấn đề này, chắc chắn dự án sẽ triển khai đúng tiến độ.
“Mặc dù trách nhiệm của nhà đầu tư chỉ là 1.500 tỉ đồng nhưng đến thời điểm này nhà đầu tư đã giải ngân 2.300 tỉ đồng (1.450 tỉ đồng cho giải phóng mặt bằng và 850 tỉ đồng cho công tác xây lắp. Nhà đầu tư quyết tâm rất cao. Mặt bằng đã được bàn giao 49/51 km. Nếu Chính phủ giải quyết xong vấn đề lãi suất tín dụng, chắc chắn dự án sẽ hoàn thành trong nhiệm kỳ này” - Bộ trưởng nói thêm.
Tiếp tục tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé đặt câu hỏi: Nếu không kêu gọi được nhà đầu tư thì Nhà nước có làm đường cho dân hay không? Người dân Đồng bằng sông Cửu Long chờ đợi đến bao giờ mới có được con đường này đi, trách nhiệm của ngành giao thông trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư cho con đường này trong giai đoạn tới.
Về tranh luận của ĐB Kim Bé, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay: “Bộ trưởng chưa trả lời nhưng rất khó trả lời”.
“Nhà nước có dùng ngân sách để đầu tư hay không là quyền của Quốc hội. Hiện Quốc hội chưa bố trí vốn cho công trình này mà đang làm theo hình thức BOT. Nếu đầu tư tư nhân không làm được, Quốc hội quyết định bổ sung ngân sách cho dự án thì tôi tin là bộ trưởng sẽ làm được" - Chủ tịch Quốc hội nói.