Cấp phép ca khúc trước 1975: Sẽ khó khi nơi gật, nơi lắc

Chính phủ vừa chấp thuận chủ trương để Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD), Bộ VH-TT&DL bắt tay soạn thảo một nghị định mới trong lĩnh vực NTBD. Trong đó, ở lĩnh vực sân khấu, ca nhạc, hai vấn đề được quan tâm nhất là xóa bỏ cấp phép ca khúc trước 1975, cấp phép trực tiếp cho nghệ sĩ hải ngoại.

Từ một cửa thành… nhiều cửa

Hiện tại hoạt động NTBD có hai nghị định liên quan gồm: Nghị định 79/2012 quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu và Nghị định 15/2016 sửa đổi một số điều của Nghị định 79/2012.

Bộ VH-TT&DL cho biết Chính phủ đã đồng ý thông qua việc sửa đổi nội dung hai nghị định trên. Trước đó, Pháp Luật TP.HCM từng có nhiều bài viết về việc thay đổi này. Trong đó, ông Nguyễn Quang Vinh, Cục trưởng Cục NTBD, từng chia sẻ: “Ranh giới việc cấp phép phổ biến các ca khúc mới với các tác phẩm sáng tác trước 1975 và tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống, định cư tại nước ngoài sẽ được xóa bỏ”.

Thêm quyền và cát cứ địa phương

Thực tế, lâu nay một ca khúc trước 1975 hay sáng tác tại nước ngoài sẽ được xin phép phổ biến ở Cục NTBD. Tương tự, nghệ sĩ Việt Nam sinh sống tại nước ngoài muốn trở về biểu diễn cũng xin phép Cục, thông qua một đơn vị tổ chức biểu diễn. Sau khi được Cục cấp phép, tại mỗi địa phương, nhà tổ chức phải xin thêm giấy phép biểu diễn tại địa phương và sở văn hóa tại địa phương sẽ tiếp nhận giấy phép biểu diễn hoặc từ chối giấy phép đó.

Và lâu nay không ít lần dù Cục NTBD cho phép nhưng sở văn hóa, cơ quan quản lý văn hóa tại địa phương thẳng thừng hoặc “nhẹ nhàng” từ chối tiếp nhận. Cụ thể, ca sĩ Chế Linh có thể biểu diễn khắp các tỉnh, thành nhưng ước mơ biểu diễn tại TP.HCM vẫn chưa thực hiện được. Dù ca sĩ Chế Linh đã “lận lưng” giấy phép biểu diễn của Cục cấp.

Dự thảo nghị định mới về NTBD, nghệ sĩ hải ngoại sẽ trực tiếp được cấp phép biểu diễn mà không cần thông qua tổ chức nào. Trong ảnh:  Các ca sĩ Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Khánh Ly, Lê Uyên và Elvis Phương trong một đêm diễn tại TP Biên Hòa, Đồng Nai. Ảnh: ĐỒNG DAO

“Tôi rất hoan nghênh việc bỏ cấp phép những ca khúc sáng tác trước 1975, tuy nhiên giao về địa phương thẩm định việc cấp phép này tôi nghĩ không nên. Nên chăng Cục NTBD ra tiêu chí rõ ràng như thế nào là nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ cá nhân, bôi nhọ tổ chức, ngược lợi ích quần chúng… và áp dụng cả nước. Các nhà sản xuất, đơn vị tổ chức sẽ tự thẩm định dựa trên các tiêu chí này để phát hành ca khúc; nếu nhà sản xuất hay đơn vị nào sai thì Cục sẽ hậu kiểm và phạt nặng” - ông Huỳnh Tiết, nguyên Giám đốc Bến Thành Audio và Video, nêu ý kiến.

Ông Tiết cũng lo ngại nếu giao việc thẩm định với một tiêu chí thiếu cụ thể cho địa phương thì càng làm rối thêm và chắc chắn sẽ gây ra tiêu cực. “Những sáng tác âm nhạc không thể có chuyện địa phương này cho, địa phương kia cấm vì bản sắc địa phương” - ông Tiết nói.

Như vậy, khi Cục NTBD mong muốn thay đổi, cởi mở hơn trong việc cấp phép biểu diễn cho nghệ sĩ, ca khúc sáng tác trước 1975 mà giao quyền đó về cho địa phương thì lo âu về việc lạm quyền, tùy tiện không phải là không có căn cứ.

Cục NTBD sẽ chỉ đưa ra quy định những bài hát có nội dung xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ cá nhân hay bôi nhọ tổ chức, đi ngược lại lợi ích quần chúng thì sẽ bị cấm. Cục sẽ không đưa ra một danh sách được phổ biến hay cấm, các sở địa phương sẽ là “cửa kiểm duyệt” việc cho phép phổ biến ca khúc đó hay không.

Ông NGUYỄN QUANG VINHCục trưởng Cục NTBD 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm