GÓP Ý SỬA ĐỔI LUẬT THỦ ĐÔ

Cắt điện, nước đối với công trình vi phạm: Đường vòng tiềm ẩn rủi ro

(PLO)- Luật đã quy định biện pháp đình chỉ ngay hành vi vi phạm, có khả năng trừng trị và ngăn ngừa hữu hiệu các vi phạm hành chính.

Dự thảo Luật Thủ đô đang được lấy ý kiến lại có đề xuất cho phép các cơ quan nhà nước trên địa bàn thủ đô Hà Nội áp dụng biện pháp “cắt điện, nước” đối với một số vi phạm hành chính.

TP.HCM cũng đề xuất khôi phục biện pháp này đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Lý do được đưa ra là vì pháp luật hiện hành thiếu vắng các biện pháp cưỡng chế, đình chỉ hoạt động các cơ sở vi phạm nhiều lần.

P6_anh-chinh.jpg
Một công trình vi phạm xây dựng bị phá bỏ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Từng là giải pháp tạm thời xử lý vi phạm xây dựng

“Cắt điện, nước” với tính chất là biện pháp cưỡng chế hành chính lần đầu tiên được quy định trong Nghị định 180/2007.

Cụ thể, khoản 2 Điều 4 Nghị định 180/2007 (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị - đã hết hiệu lực) cho phép áp dụng việc ngừng cung cấp điện, nước đối với công trình xây dựng vi phạm.

Sở dĩ từng có quy định cho phép cắt điện, nước đối với công trình vi phạm vì tại thời điểm này, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính không có bất kỳ biện pháp cưỡng chế nào được cho là hữu hiệu nhằm xử lý và ngăn ngừa đối với các vi phạm về xây dựng mà phổ biến là xây dựng công trình sai phép, không phép.

“Nếu cho rằng “cắt điện, nước” thì đương nhiên cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ bị đình chỉ luôn thì nên áp dụng trực tiếp hình thức xử phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn.”

TS Cao Vũ Minh

Được kỳ vọng là cánh tay thép để xử lý và ngăn ngừa đối với các vi phạm về xây dựng nhưng biện pháp “cắt điện, nước” không mang lại những kết quả khả quan. Tình trạng xây dựng công trình sai phép, không phép vẫn cứ tràn lan.

Bên cạnh đó, biện pháp “cắt điện, nước” lại ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện những quyền cơ bản của con người nên khi ban hành Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Quốc hội đã không cho phép áp dụng biện pháp mang tính cưỡng chế hành chính này. Trên cơ sở Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Chính phủ ban hành Nghị định 139/2017 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng và chính thức đoạn tuyệt với biện pháp “cắt điện, nước”.

Năm 2020, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng không quy định “cắt điện, nước” là một biện pháp cưỡng chế hành chính mặc dù rất nhiều bộ, ngành, cơ quan đề xuất bổ sung biện pháp này.

Thực tế, việc cắt điện, nước sẽ gây ảnh hưởng đến quyền cơ bản của công dân, ảnh hưởng đến đời sống của người không vi phạm hành chính. Ví dụ, cắt điện, nước tại nhà chung cư trong khi chủ thể vi phạm là chủ đầu tư, người dân lại có lợi ích liên quan.

Luật đã có biện pháp đình chỉ ngay hành vi vi phạm

So với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã bổ sung một hình thức xử phạt là “đình chỉ hoạt động có thời hạn”. Sự ra đời của hình thức xử phạt này được xem là giải pháp để khỏa lấp tình trạng không có chế tài phù hợp nhằm áp dụng đối với các vi phạm hành chính về xây dựng hay hành vi gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở.

Rủi ro tiềm ẩn

Theo thiên hướng tìm kiếm lợi nhuận, nếu áp dụng biện pháp “cắt điện, nước” tại một phân khu nhà xưởng nhất định của cơ sở sản xuất, kinh doanh thì hoàn toàn có thể xảy ra tình trạng người sử dụng lao động dồn người lao động vào một phân khu nhà xưởng không bị cắt điện, nước.

Lúc này, tình trạng gây ô nhiễm môi trường (nếu có) lại có thể tiếp diễn. Trường hợp cắt điện, nước toàn bộ cơ sở lại có thể phát sinh tình trạng cơ sở sản xuất, kinh doanh câu điện lậu. Nguy cơ cháy, nổ lại hiện hữu.

Nghị định 45/2022 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng có quy định về việc áp dụng hình thức xử phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn 1-24 tháng. Tương tự, Nghị định 16/2022 xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng cũng quy định về việc áp dụng hình thức xử phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn 3-24 tháng. Trong trường hợp chủ thể vi phạm không thực hiện hình thức xử phạt này sẽ bị cưỡng chế thực hiện.

Như vậy, một hình thức xử phạt mang tính chính đáng, có khả năng đình chỉ ngay hành vi vi phạm đã được quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do đó, không cần phải khai sinh thêm biện pháp có mục đích tương tự là “cắt điện, nước”.

Với những phân tích trên, có thể thấy các quy định pháp luật hiện hành không thiếu biện pháp để xử lý hữu hiệu các vi phạm về xây dựng, gây ô nhiễm môi trường. Đình chỉ hoạt động có thời hạn là một hình thức xử phạt chính danh, hợp lý, có khả năng trừng trị và ngăn ngừa hữu hiệu các vi phạm hành chính. Thế thì tại sao hình thức xử phạt này không được ưu tiên áp dụng mà lại phải nghĩ ra các biện pháp khác mà vốn dĩ không có tính chính đáng? Còn nếu việc áp dụng hình thức xử phạt này có những vướng mắc do không có nhân lực kiểm tra, thanh tra việc thực hiện thì phải gia cố ở khâu tổ chức thi hành pháp luật chứ cũng không phải là vì thiếu công cụ pháp lý.

Biện pháp đường vòng

“Cắt điện, nước” là biện pháp dễ ảnh hưởng đến những quyền cơ bản của con người. Đơn cử, theo quy định pháp luật, cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động phải áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động. Các biện pháp đó có thể là bảo đảm đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc; trang bị phương tiện kỹ thuật, y tế để đảm bảo ứng cứu, sơ cứu kịp thời khi xảy ra sự cố kỹ thuật. Việc trang bị buồng tắm, buồng vệ sinh cho người lao động không thể nào thoát ly khỏi việc sử dụng điện, nước.

Do đó, vì lý do cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường mà “cắt điện, nước” thì vô hình trung đẩy người lao động ra khỏi sự bảo đảm của các biện pháp duy trì an toàn, vệ sinh lao động. Nếu cho rằng “cắt điện, nước” thì đương nhiên cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ bị đình chỉ hoạt động thì tại sao không áp dụng trực tiếp hình thức xử phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn mà phải áp dụng vòng vèo thông qua biện pháp “cắt điện, nước”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm