Sự cố phát sinh vào ngày 27-10-2011, khi ông Nguyễn Văn Danh mua phế liệu là kết cấu sắt sàn nhà, đà ngang, cột... của một căn nhà. Ông Danh thuê năm người, trong đó có Nguyễn Xuân Thụ đến dỡ nhà.
Cháy nhà do không che chắn
Thụ được giao nhiệm vụ dùng máy cắt các thanh sắt tại vách tường trên tầng lầu. Trong lúc cắt, Thụ không dùng vật liệu che chắn nên những tia sắt rớt xuống nhà kế bên gây cháy rồi lan sang tiệm tạp hóa của bà Đinh Thị Ánh Tuyết (thị trấn Tân Phước, huyện Tân Uyên, Bình Dương). Theo kết luận định giá vào tháng 10-2013 của cơ quan chức năng, tổng thiệt hại về nhà và tài sản của bà Tuyết gần 2,3 tỉ đồng.
Tháng 3-2012, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) huyện Tân Uyên ra quyết định khởi tố Thụ tội vi phạm quy định về PCCC theo Điều 240 BLHS.
Thế nhưng vào tháng 10-2013, cơ quan điều tra công an huyện chuyển sang khởi tố Thụ tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản theo Điều 145 BLHS. Cơ quan này khẳng định: “Nguyễn Xuân Thụ là người trực tiếp thực hiện hành vi gây ra hậu quả thiệt hại. Tuy nhiên, Danh là người thuê, mướn sử dụng lao động nhưng không áp dụng biện pháp bảo hộ và đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng lao động nên ông Danh phải có trách nhiệm liên đới bồi thường”. Sau đó, VKS huyện cũng truy tố Thụ tội này.
“Trách nhiệm của ông chủ”
Ngày 21-1-2014, TAND huyện Tân Uyên đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Thụ khai: “Bị cáo làm công trình theo chỉ đạo của ông Danh, không có bằng cấp, không phải thợ hàn, với nhiệm vụ đập bê tông, cắt hạ tầng cũ bằng cách dùng búa và mỏ cắt. Khi cắt có thấy phát sáng nhưng không nghĩ sẽ cháy vì chủ kêu ở xung quanh trống. Còn phía trước đã che rồi, nếu không sẽ rớt vào đầu người khác”. Thụ nói rõ: “Bị cáo là người làm công ăn lương, ông chủ kêu cắt thì cắt. Che chắn là trách nhiệm của ông chủ”.
Bà Tuyết dọn dẹp trước căn nhà bị cháy từ năm 2011 do cắt sắt lấy phế liệu gây ra. Ảnh: KIM PHỤNG
Bà Tuyết trình bày: “Nhà của tôi sát vách với nhà cắt sắt. Lúc cháy tôi không có mặt ở nhà, khi hay tin tôi về đến nhà đã thấy lửa bốc lên cao thiêu hết hàng hóa, hóa đơn, sổ sách nên không có gì để chứng minh với cơ quan điều tra chứ thực tế thiệt hại lên đến 7 tỉ đồng. Tôi không hiểu vì sao diện tích nhà tôi là 186 m2 nhưng khi định giá chỉ còn hơn 99 m2. Trước đó tôi đã khiếu nại đến cơ quan điều tra và VKS huyện về việc thay đổi tội danh của bị cáo nhưng không nhận được câu trả lời. Bây giờ tôi yêu cầu khởi tố thêm ông Danh, buộc ông này phải liên đới bồi thường”.
Phản biện lại, công tố viên cho rằng: “7 tỉ đồng đó cũng chỉ dựa trên tính toán mà bà Tuyết nhớ chứ không có cơ sở tài liệu nào chứng minh. Diện tích thiệt hại hơn 99 m2 là căn cứ vào kết luận định giá của tập thể những người có chuyên môn”.
HĐXX ngừng phiên tòa để hội ý rồi ra tuyên bố hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, định giá lại diện tích nhà bị cháy.
Chuyển tội danh đúng không?
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM, việc chuyển tội danh của Thụ như nêu trên là không phù hợp.
Luật sư Hậu phân tích: Trong vụ án này, Thụ sử dụng máy cắt kim loại nhưng không sử dụng các biện pháp bảo đảm an toàn cháy nổ là đã vi phạm quy định về phòng cháy. Cùng với đó, thiệt hại xảy ra là thiệt hại nghiêm trọng về tài sản (riêng thiệt hại của bà Tuyết đã được giám định lên đến 2,3 tỉ đồng). Như vậy, xét hành vi vi phạm của Thụ và hậu quả xảy ra thì đã có đủ yếu tố cấu thành tội vi phạm quy định về PCCC như Phòng Cảnh sát PCCC huyện đã khởi tố.
“Bên cạnh đó, đối với tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản thì hành vi khách quan của tội này là hành vi vi phạm (không tuân thủ hoặc tuân thủ không đúng, không đầy đủ) những quy tắc sinh hoạt xã hội thông thường. Song hành vi vi phạm của Thụ không thuộc trường hợp này” - luật sư Hậu nói thêm.
Đồng tình, luật sư Hoàng Quí (Đoàn Luật sư TP.HCM) nêu ý kiến: Tại phiên tòa, Thụ khai nhận là ông Danh đã che chắn phía trước, tức là ông ấy đã ý thức được là khi sử dụng máy cắt kim loại sẽ gây ra tia lửa có khả năng gây nguy hiểm. Còn Thụ cũng ý thức được rằng việc hàn, cắt này có nguy cơ gây cháy nổ nên đã hỏi lại ông Danh và được ông chủ cho biết là đất trống nên cắt. Như vậy, cả ông Danh và Thụ đều ý thức được là khi hàn, cắt sắt có nguy cơ gây cháy nổ nhưng họ không thực hiện các biện pháp để đảm bảo công tác PCCC. Do đó, việc khởi tố Thụ tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản là không có cơ sở.
KIM PHỤNG - NGÂN NGA
Mong tòa xử nhanh Bà Tuyết dẫn chúng tôi đến căn nhà nằm ngay ngã tư mặt tiền bị cháy rụi cách đây hai năm giờ vẫn nằm im ám đầy khói đen không thể kinh doanh cũng chưa thể phá dỡ vì chờ tòa xử. Bà buồn rầu: “Đã hai năm qua, tôi vẫn không nhận được một đồng hỗ trợ nào từ phía bị cáo cũng như ông Danh. Công việc kinh doanh thì bị đình trệ, hai mẹ con phải dọn vào nhà người thân ở nhờ. Gia đình tôi ba đời kinh doanh ống nước, dây điện ở đây. Giờ chỉ mong tòa xử nhanh để nhận được tiền bồi thường, lấy vốn sửa lại nhà”. Cháy do cắt kim loại Nguyên nhân cháy là do sơ suất, bất cẩn khi cắt kim loại đã làm rơi các cục kim loại mang nhiệt độ cao xuống gây cháy các vật liệu dễ cháy (nhựa, bìa carton, nylon...) ở phía dưới. Từ đây đám cháy phát triển đi mọi hướng gây cháy lớn. (Trích kết luận giám định của Phân viện Khoa học hình sự tại TP.HCM ngày 23-11-2011) |