Thời gian gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện hình ảnh những tờ tiền Việt Nam có mệnh giá lớn (100.000, 200.000, 500.000 đồng) bị cắt thành nhiều mảnh.
Mới đây, có một người mẹ đăng lên Facebook ảnh một tờ tiền 500.000 đồng còn mới nhưng bị con gái cắt nát. Thậm chí một số thanh niên lớn tuổi cũng chơi dại, đốt tiền với mệnh giá hàng trăm ngàn đồng rồi đăng lên mạng xã hội chỉ để khoe khoang ta đây là dân chơi.
Một số bạn đọc gửi những băn khoăn đến Pháp Luật TP.HCM rằng liệu hành vi cắt, đốt tiền có bị xem là vi phạm pháp luật không.
Bạn đọc tên Trang chia sẻ: “Để có những đồng tiền chân chính, người ta phải đổ mồ hôi và nước mắt mới có được. Tôi không hiểu sao những người cắt tiền có thể hủy hoại sức lao động của mình như vậy?”.
Riêng bạn đọc có địa chỉ email nguyenthanh…@yahoo.com nêu quan điểm: “Việc cắt tiền là một hành động phản cảm, khó có thể chấp nhận được. Bởi xung quanh chúng ta có những người nghèo khổ và rất cần tiền để sinh sống trong khi người khác thì hủy hoại không thương tiếc. Đó là chưa kể Nhà nước in ra số lượng tiền bao nhiêu là đã có kế hoạch để cân đối cả rồi. Hành động này cần lên án và phải có một hình thức chế tài mạnh để răn đe”.
Về hình thức xử phạt hành vi cắt tiền đăng lên mạng, luật sư Đặng Thành Trí, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Trước đây, tại Điều 98 BLHS 1985 có quy đ?nh ?Ph?t t? 5ịnh “Phạt tù 5-15 năm đối với hành vi phá hủy tiền tệ; phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 12 đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”.
Tuy nhiên, từ ngày 1-7-2000, BLHS 1999 chính thức có hiệu lực thay thế cho BLHS 1985 và các lần sửa đổi trở về sau cũng không còn đề cập đến tội phá hủy tiền tệ nữa. Nghĩa là từ 1-7-2000 hành vi phá hủy tiền tệ của chính mình không còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Trịnh Ngọc Hoàn Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, bổ sung thêm: Khoản 2 Điều 3 Quyết định 130/2003/TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định hành vi hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất kỳ hình thức nào đều bị nghiêm cấm.
Theo quy định trên, hành vi cắt tiền của người lớn sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo khoản 3 Điều 31 Nghị định 96/2014 là “phạt tiền 10-15 triệu đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật”.
Tuy nhiên, hành vi cắt tiền của những cháu bé nhỏ tuổi không bị xử lý bất cứ hình thức nào vì bé không phải là đối tượng xử lý hành chính theo điểm a Điều 5 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Đó là “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính”.
Nếu người mẹ có hành vi xúi giục con cắt tiền để đăng Facebook thì sẽ bị xử lý hành chính theo quy định trên về hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật. Nếu người mẹ không có hành vi xúi giục con cắt tiền mà đăng ảnh sự việc xảy ra lên Facebook chỉ nhằm mục đích khoe khoang thì không vi phạm pháp luật nhưng điều đó cũng không nên chút nào.
Hành vi phá hủy tiền tệ của chính mình không còn bị xử lý hình sự như trước đây. Tuy nhiên, hành vi phá hủy tiền tệ của người khác nếu đủ để cấu thành tội khác thì bị truy cứu đối với tội danh tương ứng. Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 143 BLHS thì người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Luật sư ĐẶNG THÀNH TRÍ, Đoàn Luật sư TP.HCM |