Ông Nguyễn Kim Hoạt (80 tuổi), hiện đang sống ở giáo xứ Lộc Hòa (xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) bàng hoàng nhớ và kể lại vụ lật tàu kinh hoàng. Toàn bộ đoàn tàu 11 toa đã bị lật văng ra đường ray, đầu máy tàu thì văng bay ra xa nằm trên một gò đất cao ,chỉ còn lại 2 toa tàu cuối cùng là thì còn nằm trên đường ray. Xác người chết và bị thương nằm la liệt khắp nơi từ trong toa ra ngoài đất, cảnh tượng rất kinh hoàng. Lúc ấy, ông Hoạt cũng có mặt hiện trường để cấp cứu nạn nhân và nhận nhiệm vụ chôn cất người chết...
Khu nghĩa trang ĐS (đường sắt), nơi chôn cất nạn nhân tại nạn đường sắt năm 1982 hiện nằm cuối con đường tên suối Dinh thuộc ấp Lộc Hòa, xã Tây Hòa, huyện Trảng Bom (Đồng Nai).
Diện tích đất nghĩa trang rộng gần 800m2, bao xung quanh là đất rẫy trồng mì, trồng điều và trồng cây cao su của người dân địa phương.
Ông Nguyễn Kim Hoạt cho biết năm 1992, tổng công ty đường sắt Việt Nam cho xây dựng tường rào và cái cổng, đặt tên là nghĩa trang ĐS 17 -03-1982. Từ đó mới nhận dạng ra được khu đất hoang có cái nghĩa trang. Ban đầu nơi đây chỉ là bãi đất trống có hàng trăm ngôi mộ vô chủ, cỏ dại mọc um tùm.
Phần lớn những ngôi mộ tại đây chỉ được đánh dấu bằng một cục gạch, phía trước có dựng tấm bia nhỏ ghi chữ tắt “mộ VD” (vô danh), không thân nhân. Nhìn những ngôi mộ vô danh nằm thẳng dài, nối tiếp, lẻ loi và cô quạnh làm người ta phải ngậm ngùi và chạnh lòng.
Hiện tại, có gần 100 ngôi mộ chưa xác định được danh tính nạn nhân cũng như người thân của họ.
Có người thân của nạn nhân năm xưa đã đến nghĩa trang để tìm manh mối người thân của mình và may mắn họ đã tìm được nơi an nghĩ người thân nên bỏ tiền ra xây dựng ngôi mộ lại cho đàng hoàng.
Cũng có những ngôi mộ đã được người thân bốc về quê quán.
Chỉ còn duy nhất một ngôi mộ trên tấm bia xác định được tên tuổi nạn nhân nhưng người thân vẫn chưa đến bốc mang về gia đình.
Nhìn thấy khu nghĩa trang hoang sơ nên suốt 23 năm qua, ông Nguyễn Kim Hoạt tình nguyện làm công việc chăm sóc và quản lý khu nghĩa trang. Ông Hoạt vận động người dân có rẫy gần đó phát dọn cỏ, vun tạo lại các nấm mồ, sơn quét vôi lại các tấm bia mộ và trồng cây kiểng xung quanh.
Như thành thói quen, sáng nào ông Hoạt cũng thường xuyên ra nghĩa trang thắp nhang để sưởi ấm những số phận tội nghiệp, phải nằm lại nơi đất khách mà cho đến bây giờ cũng không biết thân nhân ở đâu...
Mấy tháng sau, cung đường nơi xảy ra tai nạn mới được ngành đường sắt sửa chữa xong. Đến năm 1992 thì ngành đường sắt dời cung đường ra hướng khác, cách hiện trường vụ tai nạn 500m. Hiện nay, ga Bàu Cá không còn tồn tại trên hệ thống đường sắt Việt Nam (nhà ga bây giờ là nhà ở của các công nhân đường sắt trước kia.). Vị trí nơi xảy ra tại nạn khảm khốc người dân địa phương dựng một cái miếu nhỏ.
Ông Nguyễn Thanh Sơn (70 tuổi, ngụ ấp Hưng Long, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, Đồng Nai), từng là nhân viên tuần tra cung đường ga Bàu Cá. Năm đoàn tàu gặp nạn, ông Sơn vừa xong ca trực và được thủ trưởng lệnh ra hiện trường cứu người, hỗ trợ các bộ phận khác để đảm bảo an toàn cho các chuyến tàu khác qua ga Bàu Cá. Sau khi về hưu, ông Sơn lại tình nguyện làm công việc trông coi và quét dọn ngôi miếu để an ủi vong linh hàng trăm người vắng số.
Thông qua báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Kim Hoạt (quản lý nghĩa trang) mong muốn người thân nạn nhân năm xưa biết được sự tồn tại của nghĩa trang này mà nên tìm đến để xác định mộ người thân của mình.