"Câu chuyện Bình Đẳng Giới" - Kỳ 1

“Chuyện không của riêng ai” đã được mọi giới, mọi ngành nghề và mọi gia đình Việt nghiêng mình rọi soi và đang cùng chung tay xóa tan lằn ranh giới tính, hướng đến những điều tốt đẹp, bình đẳng hơn. Chuyên mục “Bình đẳng giới” được bắt đầu từ số báo ngày 28-11 trở đi với mục đích đấu tranh và mang lại sự bình đẳng trong xã hội Việt…

Tình trạng phân biệt giới trong tuyển dụng lao động

Công ty C. chuyên gia công lắp ráp linh kiện điện thoại. Hiện công ty cần tuyển: Vị trí tuyển dụng: Công nhân. Yêu cầu giới tính: Nữ. Độ tuổi: 18-35 tuổi. Trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp THCS trở lên. Tình trạng sức khỏe: Tốt. Mức lương: 3.500.000-5.000.000 đồng. Người lao động sẽ được hưởng mức lương cơ bản, các khoản phụ cấp và chế độ BHXH theo luật lao động”.

Đó là một trong những mẩu tuyển dụng đang được đăng tải trên thị trường lao động. Thất nghiệp hai tháng nay, anh NVQuang đi tìm việc cho mình ở lĩnh vực lắp ráp linh kiện điện thoại mà anh đã có thâm niên hơn hai năm. Hằng ngày, anh Quang thường vào các trang thông báo tuyển dụng trên mạng để tìm việc. Khi đọc đến bảng thông báo nói trên, anh Quang lắc đầu: “Nghề của mình rất ít nơi tuyển, lâu lâu mới tìm được một công ty tuyển dụng thì họ lại chỉ yêu cầu tuyển nữ. Có lẽ họ nghĩ nữ cần cù, chịu khó hơn nam. Sao các công ty không tuyển dụng dựa trên năng lực mà lại dựa trên giới tính? Nếu tôi đáp ứng được những yêu cầu công việc mà công ty đưa ra thì hãy chọn tôi chứ!”.

Câu hỏi của anh Quang cũng là nỗi trăn trở của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực lao động. Dù Luật Bình đẳng giới năm 2006 đã có quy định: “Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi tuyển dụng…”. Thế nhưng thực tế vẫn có doanh nghiệp làm trái luật. Khi điều kiện tuyển dụng chỉ dành cho một giới nào đó có nghĩa là tước bỏ mất cơ hội làm việc của người lao động đang trên đường tìm việc của giới còn lại.

Thỉnh thoảng chúng ta vẫn thấy những mẩu tuyển dụng này trên thị trường lao động. Chị H., trưởng phòng nhân sự của một công ty may có hai cơ sở ở TP.HCM và Long An, cho biết: “Chúng tôi chỉ tuyển dụng nam vào những vị trí vận hành, bảo trì máy móc, còn lại đa số chúng tôi tuyển nữ. Chỉ khi nào không tuyển được nữ thì chúng tôi mới tuyển nam. Lao động nữ có tính kỷ luật cao, trong khi đó các lao động nam ít chịu khó hơn mà lại hay quậy phá, đánh nhau”.

Theo một nghiên cứu của Viện Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) về Bình đẳng giới trong các quảng cáo tuyển dụng trên báo in thì đa phần các thông báo tuyển dụng trên báo in đều không yêu cầu giới tính (67,8%) hoặc dành cho cả hai giới (11,6%). Tuy nhiên, vẫn có một tỉ lệ nhỏ vị trí tuyển dụng yêu cầu giới: 12,4% cho nam và 8,2% cho nữ.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, chỉ cần xem các mục thông tin đăng báo trong một tháng, đã có 690 mục thông tin tuyển dụng, trong đó có 164 mục có định kiến giới, chỉ tuyển dụng nam hoặc chỉ tuyển dụng nữ. Trong đó có 121 thông tin tuyển nam (chiếm tỉ lệ hơn 73%), 43 thông tin tuyển nữ (chiếm tỉ lệ hơn 26%).

Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. (Trích Điều 5, Luật Bình đẳng giới năm 2006)

Chuyên mục do báo PHÁP LUẬT TP.HCM & Sở LĐ - TB và XH TP.HCM phối hợp thực hiện

ĐÔNG YÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm