Cầu ở Việt Nam có tuổi thọ... thất thường

Ngày 26-11, Bộ GTVT phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức hội thảo quy hoạch, thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý công trình cầu trong đô thị thực trạng và giải pháp.

Thiếu tầm nhìn

PGS-TS Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, cho rằng hiện nay quy hoạch tổng thể đồng bộ cả về tổ chức không gian đô thị cũng như tổ chức mạng lưới giao thông chưa đi trước một bước. Còn thiếu những quy hoạch kết nối mang tính tổng thể và dài hạn.

Ông Hải dẫn chứng việc tháo dỡ cầu vượt dành cho người đi bộ ở đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội): "Cơ quan chức năng khẳng định việc xác định vị trí của các cầu bộ hành đều được nghiên cứu kỹ nhưng một số cầu dành cho người đi bộ khi đưa vào sử dụng đã không phát huy được tác dụng hoặc sớm phải di dời để phục vụ thi công những công trình khác (dự án chồng lên dự án), gây lãng phí tiền nhân dân. Đây là hệ quả của quy hoạch thiếu liên kết, thiếu tầm nhìn xa với mục tiêu của công trình khác... Bên cạnh đó, quy hoạch chưa phân tích dự báo được nhu cầu giao thông giai đoạn tương lai, trên cơ sở phương án sử dụng đất, phát triển đô thị mà quy hoạch đưa ra..." - ông Hải nói.

 Nhiều đại biểu cho rằng các cây cầu ở Việt Nam hiện nay chỉ giải quyết vấn đề giao thông mà không chú tâm đến thẩm mỹ. Ảnh: VIẾT LONG

Đồng tình, TS-KTS Lê Thị Bích Thuần, Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng, ví dụ cây cầu vượt dành cho người đi bộ ở Giảng Võ (Hà Nội) là một trong những cây cầu "phi thực tế". Sau khi thiết kế đưa vào thi công mới thấy đường dẫn lên cầu nằm bịt ngay lối ra vào của công đoàn y tế Việt Nam, mặc dù sau khi có ý kiến của cư dân mới điều chỉnh nhưng vẫn không đáp ứng được lưu lượng xe ra vào, trong khi nếu làm đường dẫn lên cầu ở vị trí ngược lại sẽ không ảnh hưởng gì.

Cầu thiếu thẩm mỹ

ThS Trần Văn Nhân, Viện Quy hoạch đô thị và nông thông Quốc gia, cho rằng ngoài những vấn đề trên, cầu trên đường phố đô thị Việt Nam còn nhiều bất cập chưa được kiểm tra kiểm soát đồng bộ, không hài hòa về mặt thẩm mỹ, thiếu hài hòa với tổng thể không gian.

PGS-TS Nguyễn Nam, Trưởng khoa Kiến trúc - ĐH xây dựng Hà Nội, lấy ví dụ như cầu Nhật Tân: "Khi hoàn thành cầu này đã không lường trước được các ý nghĩa văn hóa, xã hội của công trình cầu như một công trình kiến trúc nên dẫn đến việc người dân đang có xu hướng tự phát, biến cầu thành một phần của không gian công cộng, giao tiếp, bán hàng rong, chụp ảnh làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông trên cầu".

 

Cầu ở Việt Nam có tuổi thọ... thất thường

"Tuổi thọ cầu thì vĩnh cửu, tuy nhiên ở Việt Nam cầu thường bị tác động của môi trường, xe quá tải... nên tuổi thọ cầu ở Việt Nam thất thường. Có cầu mới được 10 năm hay 20 năm đã hư hỏng..." - đại diện Bộ GTVT trả lời câu hỏi về tuổi thọ cầu ở Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm