Song song đó, các quy định quản lý kiến trúc, các chương trình chỉnh trang phát triển đô thị, các dự án đầu tư xây dựng, các dự án kinh doanh bất động sản… cũng phải có lộ trình ổn định theo.
Trong khi đó do những đặc thù mang tính lịch sử, do thiếu kinh nghiệm và chưa có thông lệ trong phát triển, quản lý đô thị nên hầu hết đô thị Việt Nam đều thiếu một đồ án quy hoạch ổn định. Quy hoạch chi tiết chưa kịp phủ kín thì quy hoạch chung đã điều chỉnh, quy hoạch phân khu chưa kịp làm thì quy hoạch ngành đã thay đổi, thiết kế đô thị và quy chế quản lý kiến trúc vừa ban hành thì nhà siêu méo, siêu mỏng dị dạng đã mọc lên. Bỏ qua những nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, có thể dễ nhận thấy lý do chính yếu là chúng ta còn thiếu một tầm nhìn dài hơi.
Nếu có tầm nhìn dài hơi thì đã không có chuyện đồ án quy hoạch được lập ra rồi phải điều chỉnh tới lui. Cũng không có chuyện tình trạng quản lý xây dựng theo quy hoạch bị buông lỏng dẫn đến giá bồi thường cũng như tổng mức đầu tư dự án tăng cao vút. Nếu có tầm nhìn thì tại sao chuyện Đà Nẵng đã làm tốt nhiều năm nay, Hà Nội lại chưa làm được…
Trong câu chuyện tuyến đường “đắt nhất hành tinh”, người dân trong khu vực ảnh hưởng không có lỗi, giá đất thị trường tăng cao lại càng vô tội. Lỗi ở đây là lỗi thiếu tầm nhìn trong công tác lập, điều chỉnh và quản lý quy hoạch đô thị của một số đơn vị và cá nhân có thẩm quyền. Các luật về quy hoạch, về đầu tư xây dựng, rồi các nghị định hướng dẫn về quản lý phát triển đô thị, về xã hội hóa đã tương đối khá đầy đủ; kinh nghiệm thế giới và trong nước về chuyện này không phải là thiếu; vấn đề còn lại ở đây là tầm nhìn và năng lực của người lãnh đạo.
Mong rằng câu chuyện ở Hà Nội sẽ không lặp lại ở các địa phương khác. Chúng ta cần những tầm nhìn “đắt nhất hành tinh” chứ không thể chấp nhận lại có thêm những tuyến đường “đắt nhất hành tinh”.
TS PHẠM SANH