Tôi không đồng ý với mức án trên, tôi có thể làm đơn xin giám đốc thẩm được không và phải làm những thủ tục gì? Bạn đọc Hoàng Văn Minh (Bình Phước)
Luật sư Nguyễn Hữu Danh, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Khoản 1 Điều 372 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định: “Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân có quyền phát hiện vi phạm pháp luật trong bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho người có thẩm quyền kháng nghị”. Như vậy, nếu phát hiện bản án phúc thẩm vi phạm pháp luật, ông có quyền làm thông báo bằng văn bản kèm theo chứng cứ, tài liệu, đồ vật, gửi cho người có thẩm quyền kháng nghị.
Ông phải làm văn bản thông báo có nội dung chính: ngày, tháng, năm; tên, địa chỉ của cá nhân thông báo; bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị phát hiện có vi phạm pháp luật; nội dung vi phạm pháp luật bị phát hiện; kiến nghị người có thẩm quyền xem xét kháng nghị.
Văn bản thông báo này phải gửi cho người có thẩm quyền kháng nghị: 1. Chánh án TAND Tối cao, viện trưởng VKSND Tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND Cấp cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao; 2. Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, viện trưởng VKS Quân sự Trung ương có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án Quân sự cấp quân khu, Tòa án Quân sự khu vực; 3. Chánh án TAND Cấp cao, viện trưởng VKSND Cấp cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ (theo Điều 373 BLTTHS).