Tôi có con gái 3 tuổi, tên An. Lúc đặt tên cho con thì không để ý nhiều đến bảng chữ cái. Nay cháu đi học, khi nào tên cũng nằm đầu danh sách, tôi bắt đầu cảm thấy phiền vì điều này. Vợ chồng tôi bàn với nhau sẽ đổi tên cho con, liệu có được không?
Bạn đọc Minh Hà (quận Gò Vấp, TP.HCM)
Luật sư LÊ VĂN PHIẾN, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời:
Việc thay đổi tên của cá nhân được quy định cụ thể tại Điều 28 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:
- Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
- Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
- Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;
- Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
- Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;
- Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;
- Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
Việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ.
Pháp luật chỉ cho phép cá nhân được thay đổi tên trong các trường hợp đã nêu ở trên. Do đó, với lý do không thích tên con bị nằm đầu danh sách mà bạn muốn đổi tên cho con thì không thuộc trường hợp được pháp luật công nhận bạn nhé.