Những tiếng thở dài khó nhọc, cụ nói trong nước mắt: “Tao sẽ chia đều hết, mẹ mày đi trước rồi, tao sống mấy nữa đâu, chết cũng không mang theo được”.
Cụ ra tòa để kiện con trai lớn vì cho rằng con đã lừa mình bán đất. Phiên tòa có năm người tham gia, cha là nguyên đơn, con cả là bị đơn, hai người con gái và một người trai út là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Người cha già ngồi giữa, hễ tòa hỏi thì ông trả lời như khóc.
Suốt phiên tòa, HĐXX đã khuyên hai bên hòa giải để tìm phương án giải quyết tốt nhất, tránh những vết thương tình cảm cho người cha già.
Chuyện là khi còn trẻ, hai vợ chồng cụ có tạo lập được một ngôi nhà mặt tiền ở quận Thanh Khê (trung tâm TP Đà Nẵng). Cụ bà qua đời không để lại di chúc nhưng trước đó hai vợ chồng đã bàn với nhau sau này tài sản sẽ chia đều cho bốn người con. Sau đó vài tháng, cụ được con trai lớn dẫn tới phòng công chứng ký vào hợp đồng tặng cho tài sản, chuyển ngôi nhà này cho người trai lớn toàn quyền quản lý, sử dụng. Về sau, ông cụ cho rằng con trai lớn lừa mình để chiếm đoạt tài sản làm của riêng nên ông kiện ra tòa yêu cầu hủy bỏ hợp đồng.
Trước tòa, người con lớn nói cha đã làm hợp đồng tặng cho, hợp đồng này làm đúng thủ tục nên không có lý do gì để hủy bỏ. Người con út với vai trò đại diện theo ủy quyền của cha (nguyên đơn) nói: “Từ lâu anh cả đã có ý định bán ngôi nhà nhưng không được cha mẹ và các em đồng ý. Nay lợi dụng ba tuổi cao, có phần kém minh mẫn để đưa ra phòng công chứng làm hợp đồng tặng cho. Việc làm này của anh là không thể chấp nhận được”.
Người anh lại trình bày: “Ba không có quyền đòi lại toàn bộ ngôi nhà này. Vì hiện 1/2 ngôi nhà này là của mẹ. Mẹ mất rồi, ba chỉ có quyền sử dụng 1/2 căn nhà thôi. Nếu ba muốn lấy lại tài sản thì đưa đây 650 triệu đồng. Ngôi nhà này có giá 1,5 tỉ đồng, trước đây ba nói sẽ chia đều nhưng chị Ba nói tài sản sẽ cho thằng út, chị Tư thì sẽ cho tôi. Vậy nên ngôi nhà này tôi và thằng út chia đôi, mỗi đứa 750 triệu đồng. Số tiền này mỗi đứa trích lại 100 triệu đồng cho ba an dưỡng tuổi già, thế nên tôi phải nhận được 650 triệu đồng là có căn cứ”.
Khi được hỏi ý kiến, người cha nói vẻn vẹn: “Tôi không muốn đem chuyện này ra tòa”. Rồi cụ lại gượng đứng dậy.
Người con trai lớn vẫn cương quyết: “Tôi muốn việc chia chác dứt điểm, nếu hôm nay ba tôi nói hợp đồng này là trái pháp luật thì xin tòa cũng để hai bên bàn bạc chia tài sản cho dứt điểm ngay tại tòa”. Nghe vậy, người cha níu tay đứa con út nói như khóc: “Có gì về nhà!”. Rồi ông lại cúi đầu, mân mê cánh tay áo.
HĐXX khuyên bị đơn nên suy xét để hòa giải chứ không nên làm căng, tránh gây tổn thương cho cha mình. Người con vẫn cứng: “Tôi muốn việc chia tài sản phải dứt điểm. Gia đình tôi đã nhiều lần ngồi lại với nhau bàn bạc. Tôi muốn bán ngôi nhà để chia tiền, còn thằng út thì cứ viện lý do để tiếp tục sống trong ngôi nhà đó mà không chịu bán”.
Người em giải thích: “Đây là tài sản của cha mẹ để lại. Tôi không muốn sau này thế hệ các con, các cháu tôi nghĩ rằng cha, chú bán nhà của ông. Và trên hết, tôi muốn cha tôi được sống và chết trong chính ngôi nhà do bàn tay cha mẹ tôi tạo dựng nên”.
Người cha gắng gượng nói: “Tôi có chết cũng chẳng mang tài sản theo, tôi sẽ chia đều hết. Nhưng có gì về nhà tự bàn bạc!”. Cụ nói rồi xua tay như muốn nhanh chấm dứt phiên tòa.
Luật sư của người anh cũng khuyên chính thân chủ của mình nên hòa giải, rồi sau đó về nhà bàn bạc với nhau. Cuối cùng thì người con cả cũng gật đầu. Anh từ chối nhận tài sản do cha tặng cho rồi về nhà cùng bàn bạc.