Không gian một buổi sáng cuối tuần ở Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1, TP.HCM) trở nên ấm áp hẳn lên, khi những người bố, người mẹ có con mắc chứng tự kỷ đã cùng ngồi lại với nhau để kể về những điều mà họ đã và đang trải qua.
Gói gọn trong chủ đề “Gia đình là nơi cho con sức mạnh, nơi cho con niềm tin” do Hội quán Các bà mẹ phối hợp với Đường sách Nguyễn Văn Bình tổ chức, những người bố đã “dám nói nhiều hơn” về sức mạnh của tình cha, về vai trò của người cha đối với mỗi gia đình.
Ở những gia đình bình thường, việc nuôi dạy một đứa con từ lúc sinh ra cho đến khi lớn lên cũng đã khiến bố mẹ phải đau đầu. Với những gia đình có con mắc chứng tự kỷ thì chông gai càng nhiều hơn, đặc biệt là khi thiếu vắng đi bàn tay, sự chung sức của người cha.
Anh Trần Như Huấn cùng chị Trần Hoài Thư là hai người dẫn chuyện trong buổi giao lưu lần này. Họ đều có con mắc chứng tự kỷ và mong muốn những người bố hãy đồng hành cùng con mình nhiều hơn. Ảnh: THANH TUYỀN
Anh Trần Như Huấn, một người cha có con mắc chứng tự kỷ từng bôn ba nhiều nơi để tìm hiểu về chứng tự kỷ, chia sẻ rằng việc để một người mẹ đơn độc nuôi dạy một đứa trẻ tự kỷ là điều hết sức khó khăn.
“Một mình người mẹ thì không thể làm nổi, không thể kiểm soát hết hành động bộc phát của con mà cần có sự đồng hành của người cha”, anh nói.
“Với một đứa trẻ tự kỷ, chúng ta sẽ không thể biết trước hành động tiếp theo bé sẽ làm là gì. Có lúc bất chợt bé sẽ đánh rất mạnh, rất đau vào người mẹ mà họ không có đủ sức để chịu đựng. Vậy nên rất cần sự vào cuộc, đồng hành của người cha để bé tiến bộ hơn”, chị Nguyễn Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ chia sẻ về những biểu hiện của chứng tự kỷ mà chị từng gặp.
Trong buổi giao lưu, một người mẹ đã tâm sự rằng chị không biết phải làm gì khi người chồng của mình vẫn rất bảo thủ, luôn cho cách dạy con của mình là đúng, luôn không thừa nhận rằng con mình mắc chứng tự kỷ. Chia sẻ này của chị nhận được rất nhiều sự đồng cảm của những người mẹ khác, vì hầu hết họ - những người chồng vẫn chưa thể chấp nhận sự thật về đứa con của mình.
Anh Phạm Trọng Bằng, một người cha từng chối bỏ việc đứa con trai của mình mắc chứng tự kỷ, từng khăng khăng cho rằng lời nói của mọi người trong gia đình về đứa con đều không đúng đã có những lời tâm tình hết sức chân thành với mọi người.
“Tôi đã từng rất bảo thủ, nuôi con theo chủ nghĩa cá nhân của riêng mình. Thậm chí là không dành sự quan tâm đúng mực cho con khi mọi người bảo con khác với những đứa trẻ khác. Tôi từng phó mặc hết mọi việc cho vợ của mình, cứ nghĩ rằng có các chuyên gia, họ sẽ giúp con mình khỏe mạnh hơn. Cho đến khi tôi nhận ra rằng họ không thể làm cho con mình khá hơn, con không tiến bộ hơn... Một buổi chiều cùng con đi dạo trong công viên, tôi đã thấy mình đơn độc rất nhiều vì không biết phải làm gì cho con cả...”, anh tâm sự.
Anh Phạm Trọng Bằng (áo xanh) đã chọn cách đồng hành cùng con sau một thời gian dài chối bỏ về chứng tự kỷ của con mình. Anh mong muốn người cha nào cũng sẽ chọn cách đồng hành cùng vợ con dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng có thể xảy ra. Ảnh: THANH TUYỀN
Đứa con của anh mắc chứng tự kỷ đã nhiều năm nhưng anh chỉ bắt đầu thay đổi suy nghĩ trong sáu tháng trở lại đây. Chính tình thương của một người làm cha dành cho đứa con của mình đã níu anh lại, bắt đầu hành trình nuôi con cùng người vợ. Anh không đứng ngoài cuộc nữa mà chọn cách đồng hành cùng con, nương theo con để giúp con ngày một tiến bộ hơn từ những việc nhỏ nhất. Mỗi một việc mà con làm, anh Bằng đều theo sát để uốn nắn cho con, anh thực hành những bài tập mà bản thân anh đã học được từ nhiều người để dạy cho con của mình. Dần dần, bé chịu nghe lời anh, chịu ngồi yên ở những nơi đông người... Đó là cả một hành trình rất dài.
“Thực ra, chúng ta cần một người cha để nuôi dạy đứa trẻ tự kỷ vì bản thân người mẹ không thể lúc nào cũng cứng rắn được như người cha. Một ông bố có tính kỷ luật, luôn tập trung và kiên định vào việc mà họ làm, chính tính cách của một người đàn ông sẽ giúp con biết nghe lời, biết kiểm soát hành vi của mình tốt hơn”, chị Trần Hoài Thư, vợ của anh Bằng chia sẻ.
Nuôi con là một hành trình dài mà người làm cha, làm mẹ nào cũng hiểu rõ sự khó nhọc đó. Bản thân anh Huấn đã gửi gắm rằng: “Những người bố ngày nay hãy từ bỏ suy nghĩ nuôi con là việc của vợ, việc nhà là việc của vợ. Mình lo chuyện lớn hơn là kiếm tiền nuôi cả gia đình, điều đó không đúng vì bất kỳ gia đình nào cũng cần sự vun đắp của cả vợ và chồng thì mới ấm êm, hạnh phúc được”.
Hành trình nuôi con, không chỉ có người mẹ là đủ mà còn cần sự bản lĩnh và bờ vai vững chãi của người cha... Ảnh: THANH TUYỀN
Còn anh Bằng thì mong mỏi: “Chúng ta cần có trách nhiệm hơn với gia đình của mình bằng việc chấp nhận làm những việc mà chưa bao giờ mình nghĩ sẽ làm. Chọn đồng hành cùng con, cùng vợ cũng là một trách nhiệm mà mình cần phải học”.
Nếu bàn tay người mẹ luôn chăm bẵm từng bước đi của con thơ, luôn dành cho con tình thương của sự chở che, bao bọc vô điều kiện... Thì tình thương, sự răn dạy, bờ vai vững chãi của người cha nâng bước trẻ vững vàng hơn trong quá trình trưởng thành sau này. Bất cứ gia đình nào cũng cần sự đồng lòng, đồng hành của người cha với vợ và những đứa con của mình. Có như vậy thì hạnh phúc mới luôn tràn ngập, tiếng cười mãi luôn rộn rã.
"Không ai có thể tận tâm và uy tín bằng chính tấm lòng của bố mẹ dành cho con cái của mình cả. Hãy luôn đồng hành cùng con dù có khó khăn nhiều hơn nữa", chị Hoài Thư nói.