“Hơn bảy năm nay chủ đầu tư hứa sẽ cấp giấy tờ nhà đất nhưng đến nay có gần 400 trường hợp vẫn chưa được giải quyết. Việc chậm trễ khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn” - nhiều người dân tại cao ốc Phúc Thịnh (341 Cao Đạt, phường 1, quận 5, TP.HCM) phản ánh.
Ai cũng rơi vào thế kẹt
Người dân cho biết từ năm 2007 họ mua căn hộ tại cao ốc trên của Công ty Trường Thịnh. Bên này hứa trong vòng một năm sẽ giao giấy tờ nhưng họ phải chờ mãi. Nhiều hộ dân muốn thế chấp tài sản cho ngân hàng để lấy tiền làm ăn nhưng không được vì nhà đất chưa có giấy tờ.
Bà Nguyễn Thị Xuân (793/50/3 Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, quận 7) kể lúc bà mua căn hộ ở tầng trệt, chủ đầu tư khẳng định khi bà đóng đủ 95% giá trị tài sản thì sẽ làm giấy cho bà. Tuy nhiên, đến nay bà vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
“Trước đây tôi mua nhà để mở nhà trẻ nhưng rồi phải chuyển đi nơi khác do khu vực này không có bếp nấu ăn, không có nơi để trẻ vui chơi. Khi tôi muốn thay đổi thiết kế cho phù hợp với chức năng của nhà trẻ thì không được do nhà chưa được cấp chủ quyền, không thể điều chỉnh kiến trúc. Giờ tôi phải ngăn ra để cho thuê, mỗi tháng chỉ thu được mấy chục triệu. Nếu mở được nhà trẻ thì mỗi tháng tôi có thể kiếm gấp bốn đến năm lần. Nhìn qua là đủ thấy tôi bị thiệt hại tiền tỉ nhưng lại không biết kêu ai…” - bà Xuân nói thêm.
Tương tự, ông Đặng Quốc Thịnh (cư dân sống ở chung cư) bảo gia đình ông cũng không thể chuyển hộ khẩu về đây do nhà chưa có giấy tờ. Cũng vì hệ lụy này mà con cái ông không thể chuyển về trường gần nhà. Hai vợ chồng phải cử một người đưa đón con đi học xa, rất mất thời gian.
Do không thể kinh doanh nhà trẻ nên hiện nay khu vực này được bà Xuân ngăn ra để cho thuê. Ảnh: MQ
Có gần 400 trường hợp ở cao ốc Phúc Thịnh chưa nhận được giấy chứng nhận. Ảnh: MQ
Đang làm thủ tục cấp giấy tờ
Ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng pháp lý Công ty Trường Thịnh, giải thích trước đây tại thời điểm xây dựng cao ốc, công ty được miễn tiền sử dụng đất. Sau khi xong dự án, công ty đi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người dân, cơ quan chức năng yêu cầu đóng tiền sử dụng đất theo quy định. Lúc đó công ty lại phải làm lại thủ tục nộp cho Cục Thuế, Sở Tài chính, Bộ TN&MT. Mãi đến năm 2013, tổng dự án mới được cấp giấy chứng nhận. Vì vậy mới xảy ra việc chậm cấp giấy tờ nhà đất cho các hộ dân. Hiện nay các hồ sơ đang được các cơ quan chức năng xem xét. Trong thời gian tới đây chắc chắn sẽ có giấy chứng nhận cho người dân.
Riêng với trường hợp của bà Xuân, theo ông Tài, công năng của căn hộ bà Xuân mua là kinh doanh nhà trẻ. Sau này có cấp giấy chứng nhận thì cũng cấp giấy với công năng là mở nhà trẻ mà thôi. Giờ danh sách các hộ xin được cấp giấy đã được chuyển đi, chờ khi nào được cấp giấy bà Xuân có thể điều chỉnh kiến trúc để tiếp tục kinh doanh ngành nghề này.
Cần hướng dẫn về việc xử phạt Theo một đại diện Sở TN&MT TP.HCM, Nghị định 102/2014 (về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, có hiệu lực từ ngày 25-12-2014) quy định tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà để bán nhận trách nhiệm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận nhà ở, đất ở cho người dân. Nếu tổ chức đó chậm làm thủ tục kể từ ngày giao nhà đất thì bị xử phạt lên đến 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, quy định trên còn có một số nội dung chưa rõ. Chẳng hạn, nếu có vi phạm trước khi có nghị định rồi kéo dài qua thời gian nghị định có hiệu lực thì xử lý ra sao? Căn cứ vào đâu để xác định thời điểm vi phạm? Trường hợp vi phạm vì lý do khách quan… thì xử lý thế nào? Hiện nay Sở đang tập hợp các ý kiến của các quận, huyện để báo cáo Bộ TN&MT nhằm hướng dẫn cụ thể để trong quá trình áp dụng nghị định không bị khó khăn. |