Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý nợ xấu có nêu quy định về phát hiện và xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt, với các phương án xử lý gồm: Phục hồi, xử lý pháp nhân (sáp nhập, hợp nhất, bán toàn bộ vốn điều lệ, giải thể, phá sản) và phương án chuyển giao bắt buộc TCTD được kiểm soát đặc biệt.
Qua thảo luận, các ý kiến thành viên Chính phủ thống nhất với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là cần có quy định về biện pháp này. Như vậy, cùng với các biện pháp xử lý khác đã nêu trong dự án luật, các ý kiến thống nhất từ nay trở đi sẽ không đặt ra vấn đề NHNN mua lại các NH với giá 0 đồng.
Các NH yếu kém sẽ được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt mà không dùng hình thức NHNN mua lại với giá 0 đồng, sau đó có các biện pháp tài chính, cuối cùng mới áp dụng biện pháp mua bắt buộc.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Chính sách công, Trường ĐH Fulbright Việt Nam, cho rằng thông điệp về chấm dứt việc mua NH 0 đồng chỉ là "vấn đề câu chữ".
Điểm lớn nhất trong dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD là cụ thể hóa trình tự xử lý các TCTD yếu kém đã bị đặt vào tình trạng giám sát đặc biệt theo phương án phục hồi, xử lý pháp nhân, mua bắt buộc.
Theo ông Thành, giải pháp mà dự thảo luật đưa ra là NHNN thực hiện mua bắt buộc với một điều kiện quan trọng là “giá trị thực của vốn điều lệ nhỏ hơn 0 đồng”. Vậy, mua bắt buộc phải bằng giá nào nếu không phải là 0 đồng? Đương nhiên về mặt kỹ thuật không thể mua với giá âm đồng. Vốn chủ sở hữu đã âm, các tổ chức, nhà đầu tư trên thị trường đều đã chê thì làm sao Nhà nước có thể mua với giá dương đồng?
“Vậy, nói là chấm dứt việc mua NH 0 đồng nhưng nếu thực hiện mua bắt buộc thì vẫn phải là mua 0 đồng. Còn nếu không mua với giá 0 đồng thì phải điều chỉnh lại là NHNN chỉ đứng ra tiếp quản hay nhận chuyển giao, chứ không mua bắt buộc” - ông Thành chia sẻ.