Đây là điểm ngập nặng của TP.HCM từ nhiều năm qua. Theo thiết kế được công bố tới người dân, toàn mặt đường sẽ được nâng cao. Đi dọc tuyến, căn theo vạch kẻ màu xanh trên vách nhà dân, vách trụ sở cơ quan thì có nơi sẽ bị sụt xuống so với mặt đường mới 1,5-1,6 m, nơi bị sụt thấp nhất là khoảng 0,7-0,8 m.
Những ngày này, khi mặt đường mới định hình thì có nhà khóc, có nhà cười. Với những nhà đã tự căn cốt, đưa nền lên cao khi xây nhà cách nay vài ba năm thì tới đây sẽ hết cảnh nền nhà cao chót vót so với mặt đường. Nhưng với số đông nhà khác thì tới đây sẽ phải chìm lỉm dưới mặt đường mới.
Đoạn đường này đã bị ngập cả chục năm qua nhưng phải đến năm 2012, khi chuẩn bị lập dự án chống ngập, chủ đầu tư mới nói rằng sẽ nâng đường lên cao. Tuy nhiên, phải đến cách nay hai tháng, sau khi nhà thầu, chủ đầu tư đi kẻ vạch xanh trước nhiều nhà và triển khai đặt cống mới thì người dân mới biết chắc cao độ nền đường, nền nhà ra sao. Theo nhiều hộ dân, nếu như từ năm 2012, ngành chức năng cho kẻ, vẽ cốt nền đường thì tới đây nhiều nhà sẽ không phải chịu cảnh nhà thấp hơn đường.
Một nỗi lo mới xuất hiện là tới đây các con hẻm, tuyến đường nhánh xương cá dọc đường Kinh Dương Vương sẽ thành những luồng, lạch hứng nước chảy từ đường chính xuống tạo thành vùng trũng.
“Đường chính nâng lên, hết ngập. Ngập lại đẩy về hẻm, đường nhánh cho dân nghèo vùng trũng!” - một người dân ở đường Lê Cơ nói. Còn một cán bộ hưu trí nhà ở đường Hồ Học Lãm thì cho rằng các giải pháp, công trình chống ngập lâu nay chỉ tập trung lo cho các tuyến đường chính mà chưa lo cho hẻm, đường nhánh, cho cả một khu vực...