Sáng 22-10, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và kết quả thực hiện ba năm 2016-2018; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019.
Theo đó, trong năm năm 2018, nền kinh tế trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ những diễn biến phức tạp... Tuy nhiên, với định hướng, chủ trương kịp thời của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế-xã hội nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2018.
Thời gian qua người dân phản ánh về quy hoạch đất ở Thủ Thiêm. Ảnh: Internet
Đặc biệt, việc thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP đã tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, ổn định trật tự, an toàn xã hội trong các năm tiếp theo.
Cụ thể, trong 12 chỉ tiêu về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra năm 2018, dự kiến có tám chỉ tiêu ở mức vượt và bốn chỉ tiêu ở mức đạt. Trong đó, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn kiểm soát. Bên cạnh đó, thu ngân sách vượt dự toán, hỗ trợ cho chi đầu tư phát triển, thu hút và giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng khá, năm 2018 là năm thứ ba liên tiếp xuất siêu…
Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục được đẩy mạnh và đi vào thực chất, cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy được chú trọng và triển khai quyết liệt hơn...
Với những kết quả đạt được, ông Vũ Hồng Thanh khẳng định Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí về dự báo tình hình, mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế-xã hội năm 2019 nêu trong báo cáo của Chính phủ.
Cạnh đó, đề nghị Chính phủ lưu ý, như tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7%-8% và tỉ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3% đều thấp hơn so với năm 2018 trong khi chỉ tiêu tăng trưởng GDP đặt ra ở mức 6,6%-6,8% (tương đương với mục tiêu ước đạt của năm 2018).
Một số ý kiến đề nghị phân tích những ảnh hưởng của việc từ năm 2019, Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký tới giá trị xuất-nhập khẩu của năm, từ đó đánh giá tính khả thi của các chỉ tiêu này. Ngoài ra, cần làm rõ cơ sở của chỉ tiêu tỉ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu trong những năm tới trong khi kết quả của các năm 2016, 2017 và ước thực hiện năm 2018 đều xuất siêu.
Tốc độ tăng giá tiêu dùng CPI bình quân khoảng 4% là tương đối phù hợp trong điều kiện sức ép về lạm phát gia tăng, đồng thời với mục tiêu tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng. Tuy nhiên, cần lưu ý các biện pháp giảm dần lạm phát thông qua các biện pháp bình ổn giá cả, ổn định lãi suất và điều chỉnh giá dịch vụ công để tiến tới đạt được mục tiêu Quốc hội là phấn đấu kiểm soát lạm phát 3% vào năm 2020...
Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, nhất là ở các TP lớn. Rà soát toàn bộ hệ thống quy hoạch, triển khai xây dựng sớm hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm tính kết nối đồng bộ.
Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, kiểm soát chặt chẽ việc phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất và điều chỉnh quy hoạch phân khu chức năng, tránh lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm. Chủ động, quyết liệt trong bảo đảm an toàn cháy, nổ trong các văn phòng, khu dân cư, nhà cao tầng, chợ; xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp sai phạm.
“Tiếp tục có giải pháp giảm tình hình tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, đường bộ, hàng không. Rà soát, kiểm tra tổng thể công tác quản lý nhà nước đối với việc kinh doanh dược phẩm và thực phẩm chức năng...” - ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Cần có giải pháp đột phá 2016-2020 Căn cứ những kết quả đạt được và một số hạn chế, ông Vũ Hồng Thanh cho rằng Ủy ban Kinh tế nhận định về cơ bản có thể đạt được các chỉ tiêu đã đề ra tại nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cho giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, nếu không có những giải pháp đột phá hơn nữa, thì một số chỉ tiêu sẽ khó đạt được như tỉ lệ tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người, tỉ lệ dân cư thành thị sử dụng nước sạch hợp vệ sinh, lao động qua đào tạo. Đặc biệt, việc đạt được mục tiêu một triệu doanh nghiệp vào năm 2020, đóng góp 50% vào tăng trưởng sẽ là thách thức rất lớn. |