Nếu thành công, ca phẫu thuật này sẽ mở ra một chương mới không chỉ cho y học mà còn mang đến hy vọng cho cuộc sống của hàng triệu người. Cha đẻ của dự án này chính là tiến sĩ Sergio Canavero, Giám đốc Trung tâm giải phẫu thần kinh Turin Advanced Neuromodulation Group, đồng thời là chuyên gia cố vấn về tiến bộ của kích thích não ở Turin, Italy.
30 năm qua, tiến sĩ Sergio tập trung nghiên cứu và nuôi hy vọng tiến hành cuộc phẫu thuật ghép đầu người đầu tiên. Khi mới 27 tuổi, ông đã tìm ra căn nguyên của hội chứng đau trung ương, mở đầu trong công cuộc tiến hành phẫu thuật kích thích não cho các bệnh nhân Parkinson, bệnh nhân sống thực vật và phục hồi đột quỵ.
Tiến sĩ Sergio đã công bố hơn 100 nghiên cứu, sách về y khoa, trong đó có cuốn sách về ghép đầu người và tìm kiếm sự bất tử (xuất bản vào tháng 12/2014).
Dự án mở cửa thiên đường?
Tiến sĩ Sergio Canavero đặt tên cho dự án của mình là HEAVEN (Head Anastomosis Venture), nghĩa là thiên đường, viết tắt cho cụm từ "dự án ghép nối liền đầu". Ông còn cho rằng công nghệ đã phát triển đủ để phục vụ cho ca phẫu thuật.
Theo Telegraph, mục tiêu của bác sĩ Sergio khi thực hiện dự án này chính là hy vọng kéo dài cuộc sống của những bệnh nhân đang phải chịu đựng sự thoái hóa của cơ bắp và dây thần kinh hoặc bị ung thư.
Sergio cho biết ông hy vọng người bệnh có thể di chuyển và cảm nhận được hoạt động của mình khi thức dậy sau phẫu thuật và trong vòng một năm có thể nói và đi lại bình thường.
Tiến sĩ Sergio Canavero phát biểu về HEAVEN, dự án ghép đầu người. Ảnh:Telegraph.
Tiến sĩ Sergio từng đề xuất ý tưởng này vào năm 2013, nhưng đã bị bác bỏ. “Nếu xã hội không muốn điều này, tôi sẽ không làm. Nhưng nếu điều đó không được thực hiện ở Mỹ hay châu Âu, không có nghĩa nó sẽ không thể có mặt ở một nơi khác. Tôi đang cố gắng đi đúng hướng, nhưng trước đó, tôi cần mọi người ủng hộ”, Sergio khẳng định.
Phản ứng trước dư luận
Trước tuyên bố của bác sĩ Sergio, nhiều nhà khoa học thần kinh nhận định rằng bệnh nhân sẽ không thể sống được sau khi tủy sống bị cắt đứt hoàn toàn, nếu có thể tồn tại cũng sẽ bị điên.
Theo bác sĩ Hunt Batjer, thành viên Hiệp hội Bác sĩ phẫu thuật thần kinh Mỹ, điều này còn tồi tệ hơn cả cái chết vì việc ghép nối phần đầu với một cơ thể khác biệt (bao gồm cả tủy sống, tĩnh mạch…) có thể dẫn đến hệ quả là bệnh điên và tình trạng mất trí nhớ.
Trong khi đó, bác sĩ ngoại khoa thần kinh Sorin Aldea của bệnh viện Foch de Suresnes (Pháp), cho rằng: “Đạo đức y - sinh học phải đi trước các giải pháp khoa học kỹ thuật, ít nhất cũng phải song song. Khoa học công nghệ cứ tiến bộ mãi mà bỏ qua đạo đức luận thì y học sẽ mang màu của chủ nghĩa phát xít.
Chúng ta muốn thay quyền tạo hóa để tạo ra những quái vật - người? Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên tự xem mình là một tạo vật được sinh ra để bất tử”.
Phản ứng trước những chỉ trích này, tiến sĩ Sergio cho rằng tất cả các kỹ thuật cần thiết cho ca phẫu thuật luôn tồn tại và ông chỉ cần kết nối chúng lại với nhau. Ông còn đưa ra dẫn chứng về thành công của ca ghép đầu khỉ của nhà phẫu thuật thần kinh Robert White. Con vật đã sống được 36h và nhận biết tất cả giác quan mặc dù không thể tái kết nối giữa đầu và thân ghép.
Tuy nhiên, Sergio khẳng định, hiện nay các nhà nghiên cứu có thể tái kết nối tủy sống nhờ những kỹ thuật mới. Một số công trình khoa học đã cho thấy có thể tái kết hợp trên 50% các sợi trục thần kinh.
Theo lý thuyết, chúng ta chỉ cần kết nối 10% các sợi thần kinh từ não bộ đi xuống thân của tủy sống là đủ tái thiết lập sự kiểm soát vận động có ý thức.
Vào tháng 6, Sergio sẽ tiến hành chứng minh rằng tủy sống bị cắt đứt vẫn có thể được nối lại và thông báo chi tiết về kỹ thuật sẽ được sử dụng trong ca phẫu thuật ghép đầu người đầu tiên.
Nói về vấn đề thiếu tính nhân đạo trong dự án này, Sergio khẳng định mọi người muốn biết lý do tại sao ông làm điều này, hãy đến bệnh viện và tìm hiểu tâm lý của người bệnh. Điều đó giúp bạn cảm nhận rõ rệt cuộc sống cũng như hoạt động hàng ngày của họ.