Chăn nuôi tuần hoàn 'đau đầu' vì thức ăn bị coi là chất thải

(PLO)-  Các chuyên gia cho rằng cốt lõi của kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi là giảm chi phí, tiêu thụ nguyên liệu đầu vào, giảm phát thải đầu ra, chế biến và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Các chuyên gia cho rằng cần có chính sách mở để phát triển nông nghiệp tuần hoàn tại Diễn đàn “Kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi: Cơ hội và thách thức” do Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp cùng Cục Chăn nuôi, Tổ điều hành Diễn đàn kết nối 970 (Bộ NN&PTNT) tổ chức ngày 21-3.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề xuất tháo gỡ về rào cản chính sách, sự chưa đồng bộ giữa các bộ Luật trong việc coi phụ phẩm của ngành này là nguyên liệu của ngành khác, trong khi Luật Bảo vệ Môi trường có các điều khoản coi đó là “rác thải”.

“Lấy ví dụ, chăn nuôi bò hiện nay đang ở mức tăng trưởng cao nhưng chúng ta lại không có đồng cỏ. Muốn tận dụng phụ phẩm của nông nghiệp trồng trọt làm thức ăn cho bò, nhưng khi đến thu mua tại các nhà máy chế biến nông sản, mua bã, thân, cành cây… nhưng vận chuyển thì lại vướng bởi nó được coi là chất thải theo Luật Môi trường”- ông Công dẫn chứng.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng cần có quy định tạo thuận lợi, phù hợp thực tiễn để phát triển chăn nuôi cũng như nông nghiệp tuần hoàn. Ảnh: QH

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng cần có quy định tạo thuận lợi, phù hợp thực tiễn để phát triển chăn nuôi cũng như nông nghiệp tuần hoàn. Ảnh: QH

Một vướng mắc khác ông Công nêu lên Luật Chăn nuôi quy định động vật, gia súc gia cầm khi bị dịch bệnh phải đưa đi tiêu hủy bằng hình thức chôn lấp. Theo ông Công, hình thức này sẽ rất mất nhiều thời gian để tiêu hủy, phân hủy hết, trang trại nào muốn hồi phục lại sản xuất phải mất nhiều thời gian lên tới cả chục năm. Trong khi có thể dùng phương pháp xử lý bằng nhiệt ở nhiệt độ 100 độ C, có thể tái sử dụng vật nuôi đó làm thức ăn cho vật nuôi khác.

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam cho rằng kinh tế tuần hoàn không phải một mô hình lựa chọn mà là tất yếu. Kinh tế tuần hoàn là kết quả của mô hình sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tuần hoàn, các mô hình này không bị trói buộc bởi 1 khuôn mẫu nên tìm tiêu chí, quy định cứng nhắc.

Tại diễn đàn, ông Thắng kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu quy định hàng lang pháp lý, khuôn khổ pháp lý cho đổi mới sáng tạo để thực sự đi vào đời sống xã hội, có cơ chế cho câu chuyện thí điểm, thử nghiệm, đánh giá và tổng kết các mô hình đổi mới sáng tạo.

“Như chính sách phục vụ doanh nghiệp, nông hộ xử lý chất thải chăn nuôi để thí điểm, đánh giá, từ đó lan tỏa mô hình. Đề nghị các cơ quan nhà nước, tổ chức tiếp tục hỗ trợ phát triển các mô hình cho các trung tâm vùng lõi do các doanh nghiệp dẫn dắt”- ông Thắng góp ý.

Ông Dương Tấn Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi nhấn mạnh kinh tế tuần hoàn trong ngành chăn nuôi, việc bảo vệ, gìn giữ môi trường là hết sức cần thiết. Nguyên tắc cốt lõi của kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi là giảm chi phí, tiêu thụ nguyên liệu đầu vào, giảm phát thải đầu ra, chế biến và tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp, tạo ra chu trình khép kín giữa các ngành khác như chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, công nghệ chế biến.

“Nếu như từ xưa, vấn đề tuần hoàn trong chăn nuôi đã được thể hiện qua nhiều mô hình như VAC, VACR, lúa-cá-vịt, xử lý rơm cho chế biến phân bón vi sinh... Tuy nhiên, đến nay với quy mô chăn nuôi lớn hơn, cần bước đi bền vững hơn, cách tiếp cận mới hơn, phù hợp hơn với xu hướng thế giới và khu vực”- ông Thắng chia sẻ.

Theo ông Thắng cần áp dụng khoa học công nghệ trên thế giới, khu vực, và sáng kiến từ doanh nghiệp các nhà khoa học trong nước và nước ngoài để xử lý phụ phẩm chăn nuôi hiệu quả, đảm bảo môi trường. Đây cũng là một điểm nghẽn khi xây dựng chính sách cho ngành chăn nuôi. Phía Cục Chăn nuôi đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ như Cục Trồng trọt, Cục BVTV, Cục Thú y và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia xây dựng chính sách phù hợp cho chăn nuôi trong giai đoạn tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm