Chánh án TAND Tối cao trả lời vụ bán gỗ tang vật ở Quảng Trị

Ngày 5-11, sau khi các đại biểu thảo luận về báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp, báo cáo phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm của Chính phủ, đại diện các cơ quan liên quan đã phát biểu.

Trong đó, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã dành thời gian khá dài giải thích vụ bán gỗ tang vật tại Quảng Trị đã xảy ra nhiều năm nay.

Tùy tiện và tham nhũng hơn 200 tỉ?

Trước đó, chiều 4-11, ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) đã đề cập đến vụ án này trong phát biểu của mình.

Theo ĐB Thắng, Bộ Công an, VKSND Tối cao đều cho rằng việc bán vật chứng lô gỗ của vụ án là đúng quy định của pháp luật. Trước sự đeo bám chất vấn quyết liệt của đại biểu, cuối cùng VKSND Tối cao mới thừa nhận việc bán lô gỗ là vi phạm pháp luật và đã khởi tố vụ án cách đây năm tháng.

“Theo thời giá thị trường lúc bấy giờ lô gỗ có giá trị khoảng 300 tỉ đồng nhưng Hội đồng đấu giá sử dụng văn bản định giá trước đó gần cả năm và văn bản định giá đó chỉ có giá trị phục vụ tố tụng chứ không có giá trị đấu giá thương mại để đấu giá vật chứng vụ án với số tiền hơn 63 tỉ đồng.

Việc làm đó là hết sức tùy tiện, bất chấp quy định pháp luật. Có hay không hành vi tham nhũng số tiền chênh lệch hơn 200 tỉ đồng này?” - ĐB Thắng nêu vấn đề.

ĐB Hoàng Đức Thắng đặt vấn đề về sự tùy tiện và dấu hiệu tham nhũng trong vụ án bán tang vật là gỗ ở Quảng Trị

ĐB Thắng cũng nêu những sai phạm về thời hạn tố tụng. Theo ông, với một vụ án không quá phức tạp nhưng kéo dài đến tám năm là vi phạm nghiêm trọng về thời hạn tố tụng và vì sao áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội?

ĐB Thắng nói: “Vì sao Cơ quan CSĐT về tội phạm kinh tế và chức vụ C46 Bộ Công an đã khẳng định không có cơ sở buộc tội buôn lậu nhưng Cơ quan CSĐT C44 cũng của Bộ Công an lại tìm mọi cách buộc tội khi chính cơ quan này đề xuất và vi phạm bán vật chứng vụ án?”.

ĐB Thắng cho biết một nhân viên của Công ty Ngọc Hưng đã tự tử sau khi kêu cứu, tố cáo hành vi ép cung nhục hình của điều tra viên.

ông Thắng còn phân tích về quy trình giám định và kết quả giám định của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật rồi cho rằng giám định của cơ quan này “không bảo đảm cơ sở pháp lý và tính khoa học” cũng như năng lực.

“Đó phải chăng là cố tình đứng trên pháp luật, hình sự hóa hành vi hành chính, vì sao các quy định pháp luật đã có quá rõ ràng như vậy mà TAND Cấp cao tại Đà Nẵng không tuân thủ? Phải chăng ai cũng hiểu chỉ mình tòa không hiểu?”, ĐB Thắng nói. Cuối cùng, ông Thắng nêu về trách nhiệm giải trình của các cơ quan tư pháp và mong Quốc hội giám sát vụ án.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng cũng đề cập đến vụ án này

Sẽ giám đốc thẩm theo hồ sơ

Trả lời về vụ án này sáng 5-11, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết ông đã trả lời vụ này một lần rồi. Nay ĐBQH lại nêu lên.

Theo chánh án, theo hồ sơ Công ty Ngọc Hưng ở Quảng Trị nhập khẩu 500 m3 gỗ nhưng theo giám định là hơn 600 khối. Cơ quan tố tụng truy tố công ty này về tội buôn lậu tất cả 600 khối này với lý do là toàn bộ hồ sơ được làm giả từ Lào.

Khi xét xử, tòa án không tuyên án về 600 m3 là buôn lậu, bởi vì có 535 m3 đã làm thủ tục hải quan và đóng thuế, tòa án thừa nhận đây không phải là hành vi buôn lậu. Còn 78 m3 là không đóng thuế, không khai báo hải quan thì tòa tuyên là tội buôn lậu với 78 khối này và tuyên tịch thu 78 m3 này.

“Ở đây có ý kiến xung đột giữa tòa án với VKS và Bộ Công an truy tố là 600 m3 nhưng tòa tuyên chỉ có 78 m3. Có ý kiến xung đột giữa tòa án và Đoàn ĐBQH Quảng Trị là tại sao lại không tuyên là vô tội. Báo cáo Quốc hội, có 78 m3 là không khai báo hải quan và không đóng thuế” - chánh án nói.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói vụ án sẽ được giám đốc thẩm theo hồ sơ. Ảnh: HOÀNG HẢI

Ông Bình cũng cho hay, trước khi khai mạc QH ông mới có đủ thông tin và yêu cầu Bộ Công an, VKSND Tối cao nêu quan điểm về vụ án. Hai cơ quan trả lời giám định là đúng quy trình, thủ tục và hợp pháp.

Bởi Viện Sinh thái ở Đà Nẵng giám định theo yêu cầu của CQĐT, có sự giám sát của VKS. Bộ Tư pháp đã có công văn khẳng định cơ quan này có tư cách để giám định về tư pháp.

Ông Bình nói: “Thực tế, nhiều năm qua cơ quan này đã giám định để xử lý hình sự, xử lý hành rất nhiều vụ án ở các địa phương ở miền Trung, Đà Nẵng, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam v.v… Nếu như theo ý kiến của đại biểu, cơ quan này không có tư cách để giám định thì phải xem xét lại tất cả vụ án mà đã được xử lý từ trước đến nay có sự tham gia giám định của cơ quan này”. 

Vụ án này có hai sai phạm là bán tang vật là 78 m3 gỗ và bán tài sản thuộc sở hữu của người khác. Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết HĐXX ở phiên sơ thẩm, phúc thẩm đã kiến nghị là phải điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các vi phạm này. Sau phiên tòa toàn bộ hồ sơ vi phạm đã được chuyển cho các cơ quan chức năng.

“Kết quả là UB Kiểm tra Trung ương, Đảng ủy Công an Trung ương, Ban Cán sự VKSND Tối cao đã xử lý về mặt Đảng đối với cán bộ có liên quan. Quốc hội đã bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội của một trường hợp có liên quan.

Ngoài ra CQĐT, VKS đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can, sắp tới đang tiếp tục khởi tố nữa. Toàn bộ vụ án này BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi rất sát sao. Báo cáo với đại biểu như vậy” - chánh án cho biết.

Về trách nhiệm giải trình, chánh án nói đã trả lời cho Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, ĐB Lưu Bình Nhưỡng, BCĐ PCTN Trung ương vào cuối tháng 8-2019.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng cho biết sẽ giám đốc thẩm vụ án này theo hồ sơ. Sắp tới TAND Tối cao sẽ lấy hồ sơ từ Đà Nẵng ra để xem xét theo trình tự giám đốc thẩm. Còn đương sự là ông Trương Huy Liệu, bà Trần Thị Dung mãi ngày 18-10 mới có đơn yêu cầu giám đốc thẩm.

Ông Bình chốt: “Đơn giám đốc thẩm vẫn còn thời hạn chúng tôi cũng sẽ xem xét”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới