Chấp hành viên kê biên vượt mức

“Việc kê biên cưỡng chế của Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Trảng Bom gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của gia đình tôi. Mặc dù cơ quan chức năng đã kết luận về các sai phạm nhưng cơ quan THA này vẫn chưa giải quyết thỏa đáng” - bà Trần Thị Vinh (khu phố 5, thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) bày tỏ với Pháp Luật TP.HCM.

Liên quan đến vụ việc này, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vừa có công văn đề nghị bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ đạo kiểm tra, xem xét giải quyết vì vụ việc đã kéo dài nhiều năm.

Kê biên tài sản gấp ba lần

Theo bà Vinh, bản án năm 2006 của huyện Trảng Bom buộc gia đình bà phải trả hơn 160 triệu đồng cho Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long Chi nhánh Đồng Nai. Tháng 10-2006, gia đình bà Vinh có biên bản tự nguyện giao 225 m2 đất ở thị trấn Trảng Bom (trong tổng số gần 480 m2 đất, nhà ở và công trình phụ trên đất của gia đình bà) để THA. Phần đất này có bề ngang 4,5 m và dài 50 m, có giá trị cao hơn nhiều so với số tiền phải THA. Tuy nhiên, theo bà Vinh, Chi cục THADS huyện Trảng Bom đã không trả lời, cũng không định giá để xác định giá trị phần đất đó có đủ để THA không.

Bà Vinh ấm ức khi bị cưỡng chế, bán đấu giá toàn bộ nhà, đất thay vì một phần như gia đình bà đề nghị. Ảnh: TIẾN DŨNG

“Đến giữa tháng 6-2007, chấp hành viên ra quyết định cưỡng chế. Họ kê biên, bán đấu giá toàn bộ nhà, đất của gia đình tôi được hơn 560 triệu đồng. Dĩ nhiên phần tiền ngoài nghĩa vụ phải THA họ phải trả lại cho chúng tôi nhưng việc này đã làm cho gia đình tôi mất nhà, phải đi ở nhờ và cuộc sống rất khó khăn” - bà Vinh bày tỏ.

Cho rằng cơ quan THA kê biên, đấu giá như trên là sai, bà Vinh khiếu nại nhiều nơi, trong đó có cơ quan điều tra (CQĐT) của VKSND Tối cao. Qua xác minh, CQĐT VKSND Tối cao đã xác định đất của bà Vinh tách thửa được. Khi tách không làm giảm giá trị tài sản đáng kể. Tuy nhiên, chấp hành viên không chấp hành các quy định của pháp luật THA đã ra quyết định kê biên, xử lý toàn bộ tài sản nhà đất vượt quá nghĩa vụ phải THA, lại trái ý chí của người phải THA. “Hậu quả là bà Vinh cùng gia đình (ba con và một cháu) mất nhà cửa phải đi ở nhờ. Điều này còn gây ra khiếu kiện phức tạp kéo dài đến nay chưa giải quyết được” - văn bản của CQĐT của VKSND Tối cao nêu rõ.

Lỗi do... đánh máy (?!)

Văn bản của CQĐT VKSND Tối cao cũng cho rằng theo đơn yêu cầu của ngân hàng thì gia đình bà Vinh không phải trả lãi suất chậm THA. Tuy vậy, THADS huyện Trảng Bom ra quyết định buộc gia đình bà Vinh trả thêm lãi suất (hơn 34 triệu đồng) cho ngân hàng đã gây thiệt hại cho gia đình bà Vinh. Đến nay số tiền này vẫn chưa thu hồi trả lại gia đình bà Vinh là sai.

CQĐT VKSND Tối cao xác định hành vi của chấp hành viên đã vi phạm Pháp lệnh THADS năm 2004, nghị định về kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất để đảm bảo THA và hướng dẫn về nghiệp vụ THA của Bộ Tư pháp. Song hành vi này chưa đến mức phải xử lý hình sự nên CQĐT VKSND Tối cao kiến nghị cục trưởng Cục THADS tỉnh Đồng Nai xử lý sai phạm của chấp hành viên và có biện pháp khắc phục hậu quả từ các sai phạm trên.

Trả lời phóng viên, ông Nguyễn Văn Hơn, phụ trách Chi cục THADS huyện Trảng Bom, nói vụ việc phát sinh do gia đình bà Vinh không tự nguyện THA. Ngoài ra, tài sản của gia đình bà Vinh là khối thống nhất không thể chia tách được. “Nếu chấp hành viên chia tách sẽ làm giảm giá trị tài sản, là vi phạm. Vì vậy, việc chấp hành viên phải kê biên toàn bộ nhà, đất để THA là phù hợp” - ông Hơn nói.

Còn việc trả thêm tiền lãi chậm THA cho ngân hàng thì ông Hơn cho rằng lỗi cơ bản là do khâu… soạn thảo quyết định THA của cán bộ tham mưu. Bên cạnh đó, lãnh đạo cơ quan THA ký quyết định đã không kiểm tra, rà soát kỹ. Đến khi phát hiện việc buộc trả thêm tiền lãi là thiếu sót, chấp hành viên đã đề nghị ngân hàng trả lại tiền cho bà Vinh nhưng ngân hàng không trả. “Sai sót này là do chấp hành viên không kiểm tra kỹ chứ không phải cố ý. Số tiền này chúng tôi sẽ thu hồi để trả lại cho bà Vinh” - ông Hơn nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới