Chặt dược liệu bán sang Trung Quốc

Những ngày gần đây, nhiều người dân ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) kéo nhau vào rừng thuộc Khu dữ trữ sinh quyển Tây Nghệ An (được UNESCO công nhận vào tháng 9-2007) tìm chặt thân cây kim mao cẩu tích (còn gọi là cây cu li, cây lông khỉ) để bán cho các thương lái xuất sang Trung Quốc. Cây này được xem là vị thuốc chuyên trị đau lưng, gân xương nhức mỏi…

Đầu nậu lùng mua, người dân đua chặt

Sau khi triệt thu cây máu chó, hoàng đằng, củ ba mươi, cây khúc khắc (thổ phục linh)… thì nay các thương lái lại săn lùng mua thân cây kim mao cẩu tích.

Theo quan sát của chúng tôi, ngay bên quốc lộ 7A (thuộc địa phận thị trấn Mường Xén, huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An), cây kim mao cầu tích được mang ra bày bán ngay lề đường rất nhiều. Các thương lái không mua lá, rễ mà chỉ mua thân cây đã gọt sạch.

 
Thương lái ngang nhiên đánh xe tải lên cân, thu mua cây kim mao cẩu tích ngay bên quốc lộ 7A (đoạn qua thị trấn Mường Xén, huyện miền núi Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh: ĐẮC LAM

Chị LTHY (ở huyện Kỳ Sơn) cho biết: “Chúng tôi không biết họ mua cây này để làm gì, cứ thấy có người mua được giá là chặt bán thôi”. Theo chị Y., trước đây vô rừng chặt lấy cây cu li, cây máu chó, khúc khắc… dễ lắm, nhiều lắm. Giờ đông bà con đi chặt mang bán nên phải vào rừng sâu mới tìm được. Chị Y. cho hay các đầu nậu mua mỗi ký cây kim mao cầu tích tươi 2.500-4.000 đồng. Một thân cây kim mao cầu tích cũng nặng gần 10 kg. Trung bình người dân có thể kiếm hơn 100.000 đồng/ngày từ việc chặt bán loại cây này.

Một số đầu nậu còn cho người vào các bản làng thuộc các xã vùng sâu như Phà Đánh, Mường Lống, Huổi Tụ, Hữu Lập… thu mua thân cây kim mao cầu tích rồi thuê xe nhỏ vận chuyển ra tập kết. Bà LTT, chủ một điểm thu mua ở thị trấn Mường Xén, cho biết cây dược liệu đều thu gom từ bà con trong các bản làng đi khai thác về. Sau khi thu mua đủ số lượng gần chục tấn thì thương lái cho xe tải lớn đến chở ra ngoài Bắc để xuất sang Trung Quốc.

Cơ quan chức năng ở đâu?

Trước thực trạng trên, một cán bộ Huyện ủy Kỳ Sơn bức xúc: “Cây kim mao cẩu tích rất quan trọng cho các cánh rừng đồi núi cao, vừa giữ nước, giữ ẩm cho cây rừng khác, tránh xói lở đất. Việc tàn phá hết cây kim mao cẩu tích không chỉ “chảy máu” gây cạn kiệt dược liệu mà rất nguy hiểm cho phát triển các cây rừng khác. Tuy nhiên, thời gian gần đây thương lái ngang nhiên lên mua chở đi nhưng không thấy kiểm lâm ngăn chặn”.

Trao đổi về việc này, ông Nguyễn Quốc Minh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Sơn, cho rằng: “Cây kim mao cẩu tích trên địa bàn rừng không còn nhiều, có thể dân bản đi rẫy rồi khai thác. Một số thương lái thu mua cây này từ Lào mang về huyện Kỳ Sơn rồi chuyển ra phía Bắc bán”. Theo ông Minh, dựa vào Nghị định 157/2013 của Chính phủ kiểm lâm đã xử lý được việc người dân vào rừng khai thác, chặt phá, thu mua cây cu li. “Chúng tôi sẽ kiểm tra và ngăn chặn nạn thu mua lậu và tự ý khai thác cây kim mao cẩu tích” - ông Minh nói.

Chiều 4-3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM,ông Phan Đăng Tuấn, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn UBND huyện Kỳ Sơn, cho biết: “Hiện nay đã có quy định cấm người dân tự ý vào rừng khai thác dược liệu nói chung và cây kim mao cẩu tích nói riêng. Chúng tôi sẽ trao đổi với các anh bên Hạt Kiểm lâm huyện kiểm tra, ngăn chặn việc khai thác, thu mua cây kim mao cẩu tích và dược liệu khác”.

ĐẮC LAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm