Việc chính quyền xã Cẩm Yên cho chặt hạ hàng trăm cây xanh để dẹp vỉa hè trong bài viết Chặt cây xanh để dẹp vỉa hè: "Quá máy móc!" khiến nhiều người dân vô cùng bức xúc. Không chỉ người dân ở địa phương bỗng chốc bị “tước đoạt” đi lá phổi xanh hiếm hoi mà bất cứ ai nhìn những gốc cây trơ ra trong nắng cũng thấy đau xót.
Hàng cây xanh, trong đó nhiều cây hàng chục năm tuổi trên tuyến đường bê tông liên thôn kéo dài 3 km đã không còn một mống. Lãnh đạo huyện Thạch Thất nhanh chóng lên tiếng sẽ kiểm điểm xã vì làm việc máy móc, sai tinh thần chỉ đạo của huyện.
Những cây to chỉ còn trơ gốc trên con đường liên thôn
Đó coi như phát súng chỉ thiên, nhằm ngăn ngừa có thêm nhiều địa phương khác vì quá hăm hở, thiếu suy xét mà đổ xô đi… tìm cái để dẹp lòng đường cho có với người ta. Có điều phạt gì thì phạt, cây cũng đã chặt rồi, lại còn chặt tận gốc nên chẳng thể cứu vãn được gì. Những cái cây bị hạ đã để lộ ‘tầm thấp’ của một vài người, và “hạ” thêm cả nhiều điều khác nữa.
Nhớ lần UBND TP.HCM cho dẹp bỏ quảng trường cây xanh trước Nhà hát thành phố và một số điểm khác để làm nhà ga Metro, nhiều trái tim đã nhỏ lệ nhìn hàng cây trăm tuổi hi sinh vì sự phát triển đô thị. Đó là cái giá bắt buộc phải trả, đau lòng lắm nhưng buộc phải làm. Còn đây… sao người ta có thể vô tâm đến thế khi đối xử với cây xanh, nguồn sinh khí quý giá cho môi trường sống của chính họ?
Cây long não ở nhà ga Kayashima (Nhật Bản)
Nhân chuyện này lại nói chuyện ở Nhật Bản có nhà ga xe lửa Kayashima (Osaka) rất nổi tiếng. Khi xây dựng ga này, để giữ lại một cây long não lớn, người ta đã “đục” từ mái xuống đến hầm của nhà ga nhiều tầng để chừa một khoảng không cho cây tiếp tục phát triển tự nhiên.
Chẳng phải hi hữu gì, trên thế giới nhiều con đường được uốn cong để bảo vệ một cụm cây đang hiện hữu, nhiều ngôi nhà được "lả lướt" để không phải chặt bỏ một cái cây nào trong khuôn viên. Nhìn những bức ảnh dưới đây hẳn ai cũng thích thú, ngưỡng mộ.
Đây mới thực sự là một "đường cong mềm mại"
Mở tường cho cây
Chỉ sợ không có cây xanh chứ không sợ cầu thang bị ngáng
Một lần đến thăm nhà lưu niệm nhà văn Sơn Nam ở Mỹ Tho (Tiền Giang), chị tôi đã phát hiện một câu chuyện cảm động. Sát vách nhà lưu niệm có một cây dừa của hàng xóm nhưng thân và tán lại ngả hẳn sang bên này. Khi xây tường bao, người ta đã vô cùng ý nhị, cố tình tạo một hốc trống từ gốc dọc theo dáng cây, mục đích là để giữ cho cây dừa sống tươi tốt đến tận bây giờ. Người ta quý từng gốc cây, ngọn cỏ là vậy.
Gốc cây dừa có hẳn một khuôn riêng ở nhà lưu niệm nhà văn Sơn Nam. Ảnh: T.Mận
Đến trẻ con còn biết cây xanh cho bóng mát, cây xanh lọc bụi đường, cung cấp khí oxi, hút khí cacbonic cho không khí trong lành, thoáng sạch. Ai mà chẳng cố gắng có chút cây cỏ, hoa lá trong nhà. Từ những nhà vườn rộng rãi mấy hecta đến vài chục mét vuông trên tầng cao chung cư, chỗ nào trồng cây được con người đều tận dụng. Dễ hiểu quá mà, cây xanh cho con người sức khỏe. Ai sống mà không cần sức khỏe chứ, có phải vậy không các anh quan xã?
Phải mất bao nhiêu công vun trồng, chăm sóc để cây sống tươi tốt, rồi mất thêm hàng chục năm để chúng lớn lên, tỏa bóng mát cho con đường. Vậy mà chỉ trong một thoáng, cả hàng cây quý giá dài mấy km cứ thế mà bị tiêu diệt dễ dàng, đến trơ gốc, trơ đường, trơ cả lòng người.
Con người có trái tim, khối óc để biết sống dung hòa với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên là yêu lấy cuộc sống của chính mình. Cây xanh đối với một tâm hồn sâu sắc còn có sinh mệnh, dù không đó vẫn là vật thể sống mang lợi ích lớn lao cho con người. Không biết trân trọng, con người sẽ đem chính mình ra mà trả giá.