Theo Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood II), điểm nổi bật của chuỗi giá trị lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long là có nhiều nhân tố trung gian tham gia cả công đoạn cung ứng đầu vào (giống, vật tư nông nghiệp) và dịch vụ phục vụ sản xuất, thu hoạch, sau thu hoạch dẫn đến giá thành sản xuất tăng lên. Trong đó, 93% lượng lúa do nông dân sản xuất ra bán cho thương lái. Các doanh nghiệp thu mua lúa, gạo qua thương lái không thể kiểm soát chất lượng sản phẩm do chất lượng giống đầu vào, tình trạng đấu trộn các loại giống lúa để bán cho doanh nghiệp diễn ra phổ biến. Đây cũng là nguyên nhân làm cho tỉ lệ thành phẩm thu hồi thấp, chất lượng lúa, gạo không đảm bảo.
Từ đó, đơn vị này cho rằng sẽ thay đổi tư duy tiếp cận thị trường từ mua gạo chuyển sang mua lúa để kiểm soát chất lượng đầu vào cho chế biến xuất khẩu. Khâu này giúp đảm bảo việc kiểm soát được chất lượng gạo khi xuất khẩu.
Ngoài ra để lúa gạo đạt chất lượng ổn định và năng suất cao, các đại biểu cũng đề nghị cần phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nghiên cứu chọn giống, sản xuất lúa thích ứng với hội nhập kinh tế và biến đổi khí hậu.
N.NAM