Chất lượng V-League và đội tuyển

Trong lúc bầu Đức với tư cách phó chủ tịch VFF đòi bỏ phiếu sa thải HLV Miura thì Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng lại tỏ ra quan tâm hơn đến việc ông thầy người Nhật thỏa mãn các chỉ tiêu ở các giải đấu quốc tế. Khi mọi sự vẫn chưa ngã ngũ vì còn chờ đến cuộc họp thường trực VFF sắp tới thì cũng nên sòng phẳng với ông Miura là bóng đá Việt Nam có gì cho ông để tạo dựng chất lượng cho các đội tuyển?

Trả lời một độc giả về việc làm sao để bóng đá Việt Nam san lấp khoảng cách với bóng đá Thái Lan, ông Miura thẳng thắn: “Bóng đá Thái Lan đúng là đang đứng thứ nhất ở Đông Nam Á với những nguyên nhân: Chất lượng giữa hai giải bóng đá quốc gia là khác nhau, như chất lượng sân bóng, mặt cỏ, cổ động viên... Chất lượng của giải quốc nội là yếu tố quan trọng quyết định tới chất lượng đội tuyển và nếu chất lượng giải này được cải thiện thì rõ ràng chất lượng đội tuyển cũng lên. Việc đào tạo cầu thủ trẻ cũng rất quan trọng để đảm bảo đội tuyển sẽ có lứa cầu thủ tốt trong tương lai”.

 
HLV Miura: “Một đội tuyển mạnh phải dựa trên giải vô địch mạnh và nhiều yếu tố nữa!”. Ảnh: XUÂN HUY

Điều ông Miura trần tình là không mới và rõ ràng nhìn vào chất lượng V-League một vực so với Thai-League là một trời theo kiểu tiền nào của đấy. Chất lượng của giải vô địch quốc gia cũng thỏa mãn cho câu hỏi: Vì sao nhà đầu tư Toyota đổ vào Thai-League tương đương 170 tỉ đồng trong khi chỉ tài trợ cho V-League có 30 tỉ đồng?

Nếu như hầu hết đội bóng ở Thai-League đều tự nuôi sống mình và còn có lãi từ các dịch vụ, bản quyền truyền hình,… thì ngược lại, mỗi CLB chơi tại V-League một mùa bóng xài ít nhất 35 tỉ đồng. Chỉ có 1-2 đội bóng ở V-League sống phụ thuộc vào tiền của doanh nghiệp, còn lại đều xài tiền ngân sách địa phương chiếm phần lớn khiến sự phát triển rất ngập ngừng vì phải giật gấu vá vai được mùa nào hay mùa nấy.

Con số 300 tỉ đồng mang về cho bóng đá Việt Nam như hồi năm ngoái ông chủ tịch VFF mới nhậm chức hứa hẹn đến nay vẫn là con số hứa hẹn trong vô vọng. Trong khi đó, thực tế miếng bánh truyền hình chỉ là một thương vụ trao đổi giữa “người trong nhà” với nhau theo kiểu “mua sóng, trả bằng quảng cáo” chứ không phải nguồn thu.

Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo trẻ như ông Miura đề cập cũng là một vấn đề then chốt có tính quyết định đến bóng đá Việt Nam trong tương lai. Nhìn vào trận chung kết U-19 Đông Nam Á, đội tuyển U-9 Việt Nam vừa thua U-19 Thái Lan 0-6 khiến ông HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn phải kêu trời: “Phải có thêm vài chục “lò” đào tạo trẻ như HA Gia Lai, Viettel, PVF nữa mới mong làng bóng Việt Nam phát triển”.

Bóng đá Việt Nam vẫn đang sống mòn với những bất cập khiến chất lượng ở V-League ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng của các đội tuyển quốc gia.

Vui buồn HLV Miura

Ông thầy người Nhật chia sẻ: “Điểm làm tôi hài lòng nhất trong suốt thời gian làm việc tại Việt Nam là lãnh đạo VFF, các cộng sự và cầu thủ rất tôn trọng tôi. Cho đến hiện tại, tôi rất hạnh phúc và hài lòng khi được làm việc với các cầu thủ Việt Nam và nhận được sự tôn trọng, đó là điều quan trọng nhất trong công tác huấn luyện.

Một trong những điểm tôi chưa ưng ý là cơ sở vật chất chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế. Giải V-League, nhiều mặt sân không đủ điều kiện thi đấu cho cầu thủ nên ảnh hưởng đến chất lượng”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm