Châu Âu sẽ khó khăn thế nào nếu chiến sự Nga - Ukraine kéo dài?

(PLO)- Đang phải đối mặt cùng lúc với hàng loạt vấn đề: Năng lượng thiếu nghiêm trọng, nắng hạn kinh hoàng nhất 500 năm, lạm phát cao nhất 50 năm…, châu Âu sẽ khủng hoảng đến thế nào nếu chiến sự Nga - Ukraine kéo dài?
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo hãng tin Reuters, năm 2022 từng được coi là năm thành công của châu Âu với sư hưng phấn trong chi tiêu sau đại dịch thông qua các gói hỗ trợ dồi dào của chính phủ nhằm thúc đẩy kinh tế và giúp người dân gượng dậy sau hai năm dịch bệnh. Tăng trưởng kinh tế năm 2022 của châu Âu từng được dự đoán sẽ ở mức gần 5%.

Tất cả thay đổi nhanh sau ngày Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine. Hiện nguy cơ suy thoái kinh tế ngày càng rõ hơn, lạm phát gần hai con số - mức cao nhất trong nửa thế kỷ. Châu Âu đang chịu đựng một mùa hè nắng nóng hạn hán kỷ lục nhất 500 năm và khả năng phải đón một mùa đông khắc nghiệt trong bối cảnh năng lượng ngày càng thiếu thốn.

Châu Âu thực sự cần đóng vai trò như nhà đàm phán giữa NATO, Nga và Ukraine, và bao gồm Trung Quốc, để tìm ra một giải pháp có ý nghĩa cho hàng triệu người đang bị ảnh hưởng vì cuộc khủng hoảng địa chính trị này.

GS PHOEBE KOUNDOURI,

Chủ tịch Hiệp hội Các nhà kinh tế

tài nguyên và môi trường châu Âu

Khủng hoảng tứ bề

Theo hãng tin Bloomberg, giá khí đốt và điện ở châu Âu tăng kỷ lục do hoảng loạn về nguồn cung cấp từ Nga. Các lãnh đạo châu Âu cảnh báo người dân chuẩn bị cho một mùa đông khó khăn chỉ còn cách hơn một tháng nữa.

Giá khí đốt trên khắp châu Âu tăng bốn lần trong năm nay. Giá khí đốt ở Đức - nền kinh tế lớn nhất khối tăng gấp năm lần trong một năm. Nhờ các hợp đồng dài hạn với các điều khoản cũ, người tiêu dùng chưa bị tác động nhiều. Tuy nhiên, khi các hợp đồng này hết hạn và dân phải ký mới, họ sẽ phải trả một khoản thuế bắt buộc của chính phủ, khi đó áp lực sẽ rõ ràng hơn.

“Cú sốc khí đốt ngày nay lớn hơn nhiều, gần như gấp đôi cú sốc mà chúng ta đã phải trải qua vào những năm 1970 với dầu mỏ. Giá khí đốt giao ngay ở châu Âu tăng 10-11 lần trong hai năm qua” - theo nhà kinh tế Caroline Bain tại Capital Economics (công ty tư vấn kinh tế ở Anh).

Đập thủy điện Sau ở thị trấn Vilanova se Sau, vùng Catalonia (Đông Tây Ban Nha) ngày 20-8 trong bối cảnh châu Âu đang nắng hạn kỷ lục. Công suất thủy điện Tây Ban Nha đang ở mức 36,9%, mức thấp nhất kể từ năm 1995. Ảnh: BLOOMBERG

Đập thủy điện Sau ở thị trấn Vilanova se Sau, vùng Catalonia (Đông Tây Ban Nha) ngày 20-8 trong bối cảnh châu Âu đang nắng hạn kỷ lục. Công suất thủy điện Tây Ban Nha đang ở mức 36,9%, mức thấp nhất kể từ năm 1995. Ảnh: BLOOMBERG

Giá điện ở Hà Lan đã tăng 13%, ở Anh và ở Đức tăng 14%, ở Pháp tăng 10%. Giá than giao sau cũng cao chưa từng có. Các lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng đã và đang gặp khó khăn. Châu Âu giảm gần một nửa công suất luyện nhôm và kẽm, phần lớn cơ sở sản xuất phân bón vốn dựa vào khí đốt đã phải đóng cửa.

Ở mức 9%, lạm phát trong khu vực đồng euro cao chưa từng thấy trong khoảng 50 năm. Lạm phát ở Anh lên tới 10% và có thể lên tới 18% (mức năm 1976) nếu giá năng lượng không được kiềm chế, gấp hơn chín lần mục tiêu của Ngân hàng Trung ương Anh, theo cảnh báo của các nhà phân tích tại Ngân hàng Citi (Mỹ) tuần rồi. Nhiều nhà phân tích cho rằng tình hình báo động về năng lượng cho thấy mức lạm phát vẫn chưa đến đỉnh cao, chưa kể khả năng lạm phát sẽ vẫn ở mức cao nếu không có sự can thiệp của ngân hàng trung ương. Ông Alexandre Bompard, Giám đốc điều hành Tập đoàn bán lẻ Pháp Carrefour, gần đây chia sẻ rằng “khủng hoảng là sự bình thường mới”.

Lạm phát làm giảm sức mua khi lượng tiền mặt dự phòng được sử dụng hết vào xăng dầu, khí đốt và lương thực. Giá lương thực tăng cao không ngừng và ngày càng trầm trọng hơn do hạn hán tàn khốc nhất trong 500 năm.

Trong tháng 6, doanh số bán lẻ đã giảm gần 4% so với một năm trước, dẫn đầu là mức giảm 9% ghi nhận tại Đức. Người tiêu dùng chuyển sang các chuỗi giảm giá, từ bỏ các sản phẩm cao cấp chuyển sang các thương hiệu có giảm giá. Ông Robert Gentz, đồng Giám đốc điều hành Công ty bán lẻ Zalando của Đức, gần đây nhận xét rằng “cuộc sống ngày càng đắt đỏ và người dân ngại chi tiêu”.

Đó là những lý do tại sao hầu hết các nhà kinh tế lo ngại rằng Đức và cả Ý, hai nền kinh tế lớn nhất, nhì châu Âu và vốn phụ thuộc nhiều vào khí đốt, sẽ sớm bước vào thời kỳ suy thoái.

Sẽ còn tệ hơn?

Theo nhà phân tích Bjarne Schieldrop tại Ngân hàng SEB (Thụy Điển), nhiều người hy vọng cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu sẽ sớm biến chuyển và giảm bớt nhưng điều đó khó có thể xảy ra.

Ông Schieldrop dự báo tình hình năng lượng châu Âu trong mùa đông tới “sẽ cực kỳ khó khăn” và mọi thứ sẽ chưa lắng xuống sớm. Ông lo ngại rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt hơn nữa, thậm chí đẩy xuất khẩu sang châu Âu về 0 trong mùa đông tới nhằm gây áp lực lên châu lục này. Nga đã cắt giảm lượng cung cấp khí đốt trên đường ống Nord Stream 1 xuống còn 20% công suất vào tháng 7. Nga vừa thông báo sẽ dừng đường ống Nord Stream 1 trong ba ngày để sửa chữa vào ngày 31-8, nhiều người lo ngại rằng Nga sẽ không khôi phục hoạt động đường ống sau khi sửa chữa xong.

Theo ông Schieldrop, việc Nga giảm hay ngừng xuất khẩu sẽ gây áp lực rất lớn lên các kho dự trữ hiện các nước châu Âu đang gấp rút lấp đầy. Theo Bloomberg, nếu Nga giảm lượng xuất khẩu của mình xuống 0 thì lượng khí đốt dự trữ của Đức chỉ đủ dùng trong ba tháng.

Tuần trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron một mặt cảnh báo người dân về những khó khăn tiềm ẩn trong những tháng tới. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cảnh báo châu Âu thậm chí có thể phải đối mặt với không chỉ một mà cả 10 mùa đông khó khăn.

Hoàn cảnh của Đức - vốn phụ thuộc lớn vào khí đốt của Nga đặc biệt khẩn cấp, theo Bloomberg. Hiện Đức đang nỗ lực tìm nguồn thay thế, xem xét khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than và có thể kéo dài tuổi thọ các nhà máy điện hạt nhân còn lại. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nói có thể sẽ phải giảm thêm lượng khí đốt cung cấp cho dân. Giám đốc Ngân hàng Trung ương Đức Joachim Nagel cảnh báo rằng khủng hoảng năng lượng tồi tệ hơn thì khả năng sẽ xảy ra suy thoái vào mùa đông tới.•

Du lịch - điểm sáng hiếm hoi ở châu Âu

Có thể nói du lịch là điểm sáng hiếm hoi trong kinh tế châu Âu lúc này, khi nhiều người dù thắt giảm chi tiêu vẫn muốn dùng tiền tiết kiệm tận hưởng mùa hè kể từ sau khi đại dịch bùng phát năm 2019. Song ngay cả lĩnh vực du lịch cũng bị ảnh hưởng vì ngành không thể đảm bảo công suất phục vụ với tình trạng thiếu người lao động sau đại dịch.

Các sân bay quan trọng, chẳng hạn Frankfurt (Đức) và London Heathrow (Anh) đã buộc phải ngừng khai thác một lượng lớn chuyến bay, đơn giản vì thiếu nhân viên xử lý hành khách. Tại sân bay Schiphol ở thủ đô Amsterdam (Hà Lan), thời gian chờ đợi có thể kéo dài đến 4 hoặc 5 giờ vào mùa hè này. Các hãng hàng không cũng không thể đối phó. Công ty Lufthansa của Đức đã phải đăng lời xin lỗi khách hàng vì sự hỗn loạn, đồng thời thừa nhận rằng khó có thể sớm xử lý tình trạng này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm