Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đang làm rõ nguyên nhân vụ cháy hàng trăm chiếc xe tại bãi giữ xe vi phạm của công an thuộc địa phận khu phố 2, phường Tam Hòa, TP Biên Hòa (Đồng Nai) vào ngày 8-4.
Vấn đề đặt ra là ai sẽ phải bồi thường cho chủ sở hữu các xe vi phạm bị cháy này?
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Lê Trung Phát (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: Những chiếc xe này đã được cơ quan công an ra quyết định tạm giữ nên nó được xem như là một sự chuyển giao trách nhiệm trong việc bảo quản phương tiện từ chủ sở hữu qua cơ quan công an một cách hợp pháp. Cơ quan công an ra quyết định tạm giữ sẽ có trách nhiệm bảo quản nguyên vẹn xe. Cho dù chính cơ quan này thực hiện việc trông coi xe hay thuê mướn nơi khác trông coi thì trách nhiệm bồi thường vẫn thuộc về họ. Nghĩa là trong trường hợp này cơ quan công an ra quyết định tạm giữ phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn Luật sư TP.HCM) bổ sung: Điều 9 Nghị định 115/2013 quy định rất rõ: “Người ra quyết định tạm giữ, tịch thu có trách nhiệm quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu. Trường hợp tang vật, phương tiện bị mất, bán, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì người ra quyết định tạm giữ, tịch thu chịu trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Người trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện”.
Hàng trăm chiếc xe máy bị cháy tại kho tạm giữ của công an. Ảnh: VH
Theo luật sư Sang, để có căn cứ yêu cầu để bồi thường thiệt hại trong vụ cháy này, chủ sở hữu xe cần có biên bản tạm giữ xe vi phạm, tình trạng xe, đời xe để xác định giá trị tài sản bị thiệt hại.
Cũng theo hai luật sư, nếu các bên không thỏa thuận được mức bồi thường thiệt hại thì chủ sở hữu xe có thể khởi kiện cơ quan công an ra quyết định tạm giữ xe ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, luật sư Đàm Bảo Hoàng (Đoàn Luật sư TP.HCM) còn cho biết nếu cơ quan có thẩm quyền kết luận nguyên nhân gây cháy do sự kiện bất khả kháng thì nơi ra quyết định tạm giữ, tịch thu phương tiện xe nêu trên không phải chịu trách nhiệm bồi thường (khoản 2 Điều 584 BLDS 2015). Còn nếu xác định việc gây cháy không phải do sự kiện bất khả kháng mà có hành vi phá hoại hoặc bất cẩn của cá nhân nào đó thì cơ quan ra quyết định tạm giữ vẫn phải bồi thường cho các chủ phương tiện, rồi sau đó mới khởi kiện cá nhân gây cháy để yêu cầu đền bù thiệt hại. Trường hợp có căn cứ cho thấy đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
Theo một thẩm phán TAND TP.HCM, trên thực tế khi công an tạm giữ xe vi phạm thường không ghi vào biên bản tình trạng xe cũ hay mới, hư hỏng ra sao. Vì thế, để định giá mỗi chiếc xe trước khi bị cháy có giá trị bao nhiêu để làm căn cứ bồi thường là cả một vấn đề. Mặt khác, nếu bãi giữ xe được mua bảo hiểm thì cơ quan bảo hiểm sẽ là đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm bồi thường cho các chủ sở hữu xe.