Cháy cao ốc, đừng quá kỳ vọng trực thăng

Vụ cháy tại tòa tháp đôi Tập đoàn Điện lực EVN (Hà Nội) tuy không gây thiệt hại về người nhưng đã gây nhiều lo lắng cho cư dân các TP lớn, nhất là người sống trong những tòa nhà cao tầng. Thậm chí, đã có đề xuất cần sớm trang bị trực thăng để chữa cháy, cứu nạn nhà cao tầng.

Quá thờ ơ với PCCC

. Ông có ý kiến gì sau vụ cháy tòa tháp đôi EVN?

+ Đại tá Nguyễn Văn Tươi, Cục phó Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH): Quy chuẩn về an toàn PCCC&CNCH trong xây dựng, thi công, vận hành đã có đủ, vấn đề còn lại là ý thức chấp hành. Từ chủ đầu tư, nhà thầu đến khách hàng các tòa chung cư, cao ốc đều phải làm đúng, làm hết trách nhiệm của mình. Thực tế cho thấy nhiều chủ đầu tư, nhà thầu nhằm cắt giảm chi phí đã sử dụng vật liệu không đảm bảo, tiết giảm những hạng mục an toàn cháy nổ. Nhà thầu thì thích dùng lao động phổ thông giá rẻ, không qua đào tạo, không có kiến thức về PCCC.

Vụ cháy tháp đôi EVN là ví dụ. Theo quy chuẩn, hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động phải lắp đầu tiên nhưng không ai thực hiện. Quá trình thi công phải đảm bảo vệ sinh công nghiệp, cách ly vật liệu dễ cháy, sẵn sàng phương tiện và phương án PCCC trong suốt quá trình xây dựng. Nhưng tầng hầm tòa nhà vật liệu để bừa bộn, công nhân không được huấn luyện PCCC và cũng không có thiết bị chống cháy.

Cháy cao ốc, đừng quá kỳ vọng trực thăng ảnh 1

Người dân nên có ý thức thường xuyên phòng ngừa hỏa hoạn là chính chứ không phải đến khi gặp sự cố mới giật mình. Trong ảnh: Diễn tập PCCC nhà cao tầng tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Trong vận hành, nhiều nơi lắp đặt hệ thống báo cháy rất hiện đại, đắt tiền. Chỉ cần khói thuốc, hơi nóng bốc lên là hệ thống báo động ngay. Ban quản lý thấy báo động nhiều quá bèn tắt luôn, thế là vô hiệu hóa cả hệ thống. Cửa thoát hiểm, quy chuẩn là đóng mở một chiều và luôn khép kín chống khói lửa, đảm bảo an toàn, an ninh. Nhưng người dân lại sử dụng lên xuống, chèn gạch không cho đóng, làm mất tác dụng công năng thoát hiểm khi có hỏa hoạn…

. Trong vụ cháy tháp đôi EVN, có ý kiến cho là phương tiện PCCC&CNCH thiếu quá, lẽ ra phải đưa trực thăng đến cứu. Ông nghĩ thế nào?

+ Phương tiện thiếu thì đúng quá rồi. Lực lượng cảnh sát PCCC cả nước hiện có 800 xe chữa cháy thì 80% có từ thời Liên Xô cũ. Kinh phí thường xuyên cấp cho Cục chỉ 15-20 tỉ đồng/năm. Vừa rồi có thêm 100 tỉ đồng vốn ODA nhưng chẳng thấm vào đâu nếu so với một xe thang 72 m giá hơn triệu USD.

Điều quan trọng nhất là phải chấp hành, tuân thủ các quy chuẩn về xây dựng, về PCCC từ khâu thi công đến vận hành. Người dân phải có ý thức thường xuyên phòng ngừa hỏa hoạn, chứ không phải đến khi gặp sự cố mới giật mình. Chúng tôi rất buồn là đã nhiều lần tổ chức tập huấn, hướng dẫn kiến thức PCCC cho các khu chung cư nhưng bà con rất thờ ơ. Những người trẻ khỏe, chủ nhà chả thấy đâu, toàn cử phụ nữ, người già, người giúp việc đi dự. Đến khi xảy ra cháy nổ lại đổ lỗi cảnh sát PCCC chậm, thang thấp không với được tầng cao…

“Phòng” là quan trọng nhất

. Vậy đã đến lúc trang bị trực thăng chữa cháy, cứu nạn cho lực lượng PCCC&CNCH?

+ Có điều kiện kinh tế mà trang bị trực thăng thì tốt quá. Ít ra trực thăng có thể đưa thiết bị, phương tiện, lực lượng PCCC&CNCH tiếp cận hiện trường nhanh hơn. Như vụ cháy rừng ở Sơn La năm ngoái, nhờ trực thăng của quân đội mà chúng tôi khảo sát được hiện trường, lên phương án chỉ huy. Cháy rừng U Minh Hạ mấy năm trước cũng phải nhờ đến trực thăng.

Nhưng bà con cũng đừng quá kỳ vọng vào trực thăng, bởi khả năng cứu hộ của nó rất hạn chế. Thả thang dây xuống, đung đưa trong gió, trên cao chót vót thế, mấy người đủ dũng cảm leo lên? Điều cả máy bay, chỉ cứu được 1-2 người/chuyến thôi. Mấy năm trước đã có lần diễn tập trực thăng cứu hộ trên nóc cao ốc nhưng rồi không hạ cánh được vì nóc nhà nào cũng ngổn ngang ăngten, chảo, dây tín hiệu viễn thông. Chưa kể trực thăng chỉ hoạt động an toàn ở vùng khí ổn định, trong khi nơi có cháy lớn, dòng đối lưu rất mạnh, khói nhiều che khuất tầm nhìn…

Trước đây có vụ cháy lớn nhà cao tầng làm chết nhiều người, dư luận cứ trách sao lực lượng PCCC&CNCH không trang bị đệm nhảy. Nhưng nói thật, anh em chúng tôi huấn luyện có mấy người dám nhảy từ trên cao 70 m xuống đâu. Tầm cao ấy, đệm cứu hộ 30 m2 trông bé như con kiến, nhảy có khi thân còn va vào tường…

. Trước những lo ngại của dư luận về khả năng PCCC&CNCH nhà cao tầng, ông có lời khuyên gì?

+ Chúng tôi có chức năng quản lý nhà nước về PCCC nhưng lực lượng cũng không đủ kiểm tra tất cả được. Khi kiểm tra, xử phạt còn gặp không ít sự chống đối hoặc nhờ vả can thiệp. Chúng tôi chỉ mong khi lực lượng chức năng kiểm tra, nhắc nhở, bà con hãy cộng tác, chấp hành. Có lắp đặt thiết bị, tập huấn PCCC thì cũng vì lợi ích của bà con, còn chúng tôi chỉ cố thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước. Nói PCCC, tức là phòng là quan trọng nhất, phải liên tục, không lơ là.

. Xin cảm ơn ông.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm