Ngày 1-6, thông tin từ Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết liên quan đến vụ cháy nhà xảy ra ở quận Bình Tân vào sáng ngày 31-5, BV có tiếp nhận 2 bệnh nhi là là ĐNP (sinh năm 2009) và ĐLPT (sinh năm 2010).
Các BS chẩn đoán cả hai đều bị suy hô hấp, ngộ độc CO, theo dõi phỏng đường thở, ngạt khói do cháy nhà. 2 bé được thở ôxy qua mặt nạ, kháng sinh, kháng viêm, dịch truyền.
Bệnh nhân NTH đang điều trị tại BV Chợ Rẫy sau vụ cháy nhà ở quận Bình Tân. Ảnh: BVCC
Sau khi xử lý, 2 bé tỉnh táo, tình trạng suy hô hấp cải thiện, hết toan máu, hết ngộ độc CO. Hiện cả hai tiếp tục được cho thở ôxy, kháng sinh, kháng viêm và được theo dõi sát diễn tiến phỏng đường thở.
Liên quan đến vụ cháy, BV Chợ Rẫy cũng tiếp nhận 2 bệnh nhân. Trong đó, bệnh nhân ĐVC (sinh năm 1980) nhập viện lúc 7 giờ 55 phút ngày 31-5 đã tử vong vào lúc 10 giờ 45 phút cùng ngày. Bệnh nhân C. được chẩn đoán phỏng lửa diện tích khoảng 94% độ 2, 3, trong đó 85% độ 3, sốc phỏng không hồi phục, chấn thương đùi trái.
Hiện BV đang điều trị cho bệnh nhân NTH (sinh năm 1993) ở phòng Hồi sức cấp cứu Khoa Nội hô hấp. BS CKII Đặng Vũ Thông, Trưởng Khoa Nội Hô hấp BV Chợ Rẫy cho biết khi vào viện, bệnh nhân H. suy hô hấp nên đã được đặt nội khí quản. Siêu âm khí quản cho thấy có bụi than cháy nên đã nội soi phế quả hút ra một phần.
Hiện tại bệnh nhân H. chưa tự thở được, đang được hỗ trợ thở máy, kháng sinh kiểm soát nhiễm trùng, tiếp tục theo dõi hô hấp và tình trạng nhiễm trùng để có hướng điều trị tiếp theo.
Như PLO đã thông tin, khoảng 6 giờ 55 phút ngày 31-5, lửa bất ngờ bùng lên dữ dội từ căn nhà 2 tầng ở góc giao lộ đường 16 và đường Lê Trọng Tấn (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM).
Công an quận Bình Tân đã điều động lực lượng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ triển khai dập tắt đám cháy, đồng thời giải cứu những người bị mắc kẹt bên trong.
5 người bị mắc kẹt là thành viên trong gia đình, gồm 3 người lớn, 2 trẻ em đã được đưa ra ngoài với tình trạng thương tích và ngạt khói khác nhau.
Các BS khuyến cáo khi phát hiện người bị ngạt khói, cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi khu vực thông thoáng, không có khói. Nếu nạn nhân có biểu hiện ngạt, bất tỉnh, cần kiểm tra nhịp thở và mạch đập rồi chuẩn bị hô hấp nhân tạo để thông đường thở cho nạn nhân. Sau đó đưa nạn nhân đến phòng cấp cứu nhanh nhất có thể để hạn chế di chứng. |