Chạy nước rút trước giờ thi THPT quốc gia 2017

Theo Bộ GD&ĐT, 63 cụm thi cả nước với hơn 36.000 phòng thi cần huy động gần 42.000 cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ phối hợp với Sở GD&ĐT các tỉnh, thành làm công tác coi thi, theo tinh thần một giảng viên “kèm” một giáo viên. Từ ngày 15-6 trở đi các trường ĐH sẽ tập huấn công tác coi thi cho giáo viên ngay tại trường.

20-6, giám thị đồng loạt xuất phát

Sau khi kết thúc công tác tập huấn, ngày 20-6 các trường ĐH sẽ đồng loạt khởi hành về các tỉnh làm nhiệm vụ coi thi, chỉ đạo và giám sát kỳ thi.

PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Mở TP.HCM, cho biết 230 cán bộ, giảng viên của trường sẽ phối hợp với các trường ĐH Đà Lạt, CĐ Sư phạm Đà Lạt và Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng triển khai các công tác thi.

Cụ thể, các giáo viên tham gia coi thi tại 16 điểm thi rải đều ở các huyện và TP Đà Lạt. Trong đó, giáo viên nữ ưu tiên bố trí tại các điểm thi ở trung tâm, giảng viên nam làm nhiệm vụ ở các điểm thi xa trung tâm, đi lại khó khăn hơn.

TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, thông tin lực lượng khá hùng hậu gồm 530 cán bộ, giảng viên của trường sẽ tham gia coi thi tại 30/39 điểm thi tại Long An. Trường đang cử đoàn về khảo sát các điểm thi, chỗ ăn ở, đi lại lần cuối để bố trí cán bộ nhằm chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi.

ThS Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho hay 400 cán bộ, giáo viên của trường làm nhiệm vụ coi thi tại tỉnh Tây Ninh. So với năm trước số giáo viên điều động coi thi giảm 50 người. Cụm thi này bố trí 15 điểm thi tại tám huyện và TP, trong đó hai huyện biên giới là Bến Cầu và Tân Biên. “Trường đang khảo sát lần cuối các điểm thi, nơi ăn ở và công tác đảm bảo an ninh, vệ sinh an toàn thực phẩm trước, trong và sau ngày thi một cách an toàn” - ông Sơn chia sẻ.

Trường ĐH Kinh tế TP.HCM có 450 cán bộ, giảng viên của trường coi thi tại tỉnh Bình Phước. Theo ThS Nguyễn Văn Đương, Phó Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, việc điều động cùng lúc hàng trăm cán bộ, giảng viên coi thi không đơn giản. “Kinh nghiệm nhiều năm coi thi, trường tập huấn kỹ công tác coi thi cho giảng viên để hạn chế những sai sót, đúng quy chế thi. Đồng thời nâng cao trách nhiệm kiểm soát đầu vào cho các trường ĐH, CĐ trong xét tuyển sắp tới” - ông Đương nói.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga kiểm tra công tác giám thị trước khi giao đề cho thí sinh. Ảnh: P.ĐIỀN

85.000 tình nguyện viên

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, khoảng 85.000 tình nguyện viên cả nước đã được huy động để tiếp sức kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Bao gồm 663 đội hình tình nguyện cấp tỉnh với hơn 22.000 tình nguyện viên, 2.729 đội hình cấp cơ sở với hơn 63.000 tình nguyện viên sẵn sàng tham gia hỗ trợ thí sinh và người nhà.

Cao điểm của chương trình Tiếp sức mùa thi tập trung từ ngày 20 đến 25-6. Mục tiêu đảm bảo tất cả điểm thi trên toàn quốc đều có đội hình này ứng trực và tất cả thí sinh có hoàn cảnh khó khăn sẽ được hỗ trợ trong kỳ thi.

Các đội sinh viên tình nguyện đón thí sinh tại các điểm tập trung đồng thời giới thiệu các địa điểm ăn uống giá rẻ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bố trí các chuyến xe chở miễn phí học sinh ở cùng một khu vực đến các địa điểm thi và có lực lượng tình nguyện trên các tuyến xe buýt để hỗ trợ thí sinh. Mọi thí sinh có hoàn cảnh khó khăn được giới thiệu chỗ ăn nghỉ miễn phí, đưa đón và tư vấn, trao đổi kinh nghiệm ôn thi, làm bài thi cũng như nộp hồ sơ đăng ký vào các trường ĐH, CĐ...

Riêng tại TP.HCM, chương trình Tiếp sức mùa thi tập trung hỗ trợ thí sinh và người nhà trong những ngày làm thủ tục và dự thi. Hướng dẫn, chỉ dẫn sơ đồ phòng thi theo từng môn thi, buổi thi. Hỗ trợ giữ hành lý, đồ đạc của thí sinh trong thời gian thi. Tặng các vật dụng, vật phẩm hỗ trợ thí sinh như vé xe buýt, suất ăn nhẹ, nước uống và các vật dụng mang tính chất hỗ trợ khác.

Bộ GD&ĐT cho biết để tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, đảm bảo kết quả thi chính xác, khách quan, các trường ĐH, CĐ được phân công tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương. Ở khâu coi thi, trong mỗi phòng thi sẽ có một cán bộ là giáo viên THPT của tỉnh và một cán bộ giảng viên ĐH, CĐ làm giám thị.

Tại mỗi điểm thi sẽ có một cán bộ đến từ trường ĐH, CĐ làm phó trưởng điểm thi. Lãnh đạo trường ĐH, CĐ sư phạm tham gia làm phó trưởng ban chấm thi, cán bộ, giảng viên của các trường sẽ tham gia chấm thi.

___________________________

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 diễn ra trong 2,5 ngày, gồm 22, 23 và sáng 24-6.

Năm nay, Bộ GD&ĐT tổ chức năm bài thi, gồm ba bài độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và hai bài tổ hợp là khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học), khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục công dân) đối với thí sinh học chương trình THPT; tổ hợp các môn lịch sử, địa lý với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm