Chiều 14-5, Bộ GD&ĐT đã công bố 14 đề thi tham khảo các môn thi của kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, việc công bố đề thi tham khảo như đề thi thật sẽ giúp thí sinh (TS) hình dung bài thi của mình như thế nào. Ngoài ra, việc bố trí những câu hỏi khó-dễ trong đề thi ra sao để TS tập dượt, chuẩn bị tinh thần trước khi bước vào kỳ thi.
Lý-hóa mức độ phân hóa cao
Thầy Bùi Tá Quang, giáo viên môn vật lý Trường THPT Thành Nhân, quận Tân Phú, TP.HCM, đánh giá đề thi tham khảo môn vật lý khá hay. Toàn bộ nội dung bài thi nằm trong chương trình lớp 12. Độ khó phân hóa từ thấp đến cao, trong đó có 20% phân hóa cao. Với bài thi này, có 60% kiến thức cơ bản dành để xét tốt nghiệp THPT, 40% phân hóa cao dần để xét ĐH-CĐ. Học sinh có học lực trung bình có thể làm bài đạt 60%-70%.
Nhìn tổng quan, đề lý nhẹ hơn so với năm ngoái. Tuy nhiên, trong đề này có một số câu lạ, vận dụng, đòi hỏi TS phải học nâng cao. “Nhìn chung đề bám sát chương trình lớp 12. Theo đó, TS khi làm bài có thể làm theo thứ tự, đến câu 30 thì mức độ khó tăng dần nên cần lựa chọn những câu quen thuộc để làm. TS cần bám đề thi mẫu, bình tĩnh giải quyết từng câu” - thầy Quang nói.
ThS Trần Đình Độ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân, nhận xét so với năm ngoái đề hóa lần này “dễ thở” hơn, số lượng câu ít hơn do thời gian làm bài rút xuống chỉ còn 50 phút. Đề thi phân bố từ câu dễ đến câu khó, thay vì câu khó-dễ đan xen như các năm trước.
Theo thầy Độ, với dạng bài thi năm nay TS cần làm thứ tự từ dễ đến khó thay vì TS khá thường làm khó trước dễ sau vì còn dành thời gian để làm bài thi môn khác trong tổ hợp. “Với cấu trúc đề thi như năm nay, TS khi làm bài thi môn khoa học tự nhiên (KHTN) cần lưu ý xác định môn chủ lực để xét tuyển ĐH-CĐ của mình là môn gì để dồn tâm trí làm bài thật tốt. Đồng thời cần phân bố thời gian hợp lý để giải quyết các môn thành phần đạt điểm, tránh bị điểm liệt” - ông Độ nhắc nhở.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: P.ĐIỀN
Đề văn hay nhưng khó
Thầy Nguyễn Đức Hùng, giáo viên môn văn Trường THPT Vĩnh Viễn, đánh giá kết cấu đề văn tham khảo lần này giống như năm trước, gồm đọc hiểu và làm văn. Tuy nhiên, khác là số câu đọc hiểu chỉ có bốn so với năm ngoái tám câu. Về thời gian, tuy đề năm nay chỉ còn 120 phút (so với năm ngoái là 180 phút) nhưng mức độ không dễ hơn. Thứ nhất, câu đọc hiểu (phần I) yêu cầu trả lời bốn câu hỏi qua một đoạn văn. Câu thứ nhất yêu cầu đoạn văn viết bằng thao tác gì và đưa ra các gợi ý diễn dịch, quy nạp, song hành và móc xích. Đây là thao tác kết cấu khác thao tác lập luận. Câu này TS đều được học lý thuyết nằm trong chương trình. Vấn đề là TS có nhận biết nó hay không. Câu này đa số học sinh làm được.
Thứ hai, đề bám sát văn bản để hỏi những nội dung trong văn bản, từ đó nêu những vấn đề trong cuộc sống. Cụ thể đề cập đam mê, khát vọng, khám phá, những câu này câu số 3 gợi ý cho câu số 2 và câu số 4 gợi ý cho câu số 3 theo dạng liên kết. Với câu này TS khá có thể lấy 2,5 điểm.
Phần làm văn (II), so với thời gian làm bài 120 phút, chỉ có học sinh xuất sắc mới hoàn thành được câu này. Câu này 2 điểm nhưng TS đạt 1 điểm chiếm số đông. Phần nghị luận văn học (5 điểm) ra một tác phẩm văn học quen thuộc, tác phẩm Vợ nhặt yêu cầu cảm nhận về nhân vật Tràng. Vế thứ hai yêu cầu bình luận ý kiến đặt ra về nhân vật này. Đề này khó với học trò vì vừa cảm nhận nhân vật vừa chứng minh ý kiến đó đúng hay không. “Nhìn chung, với dạng đề năm nay, đa số TS sẽ khó làm hết bài trong thời gian 120 phút. Đề hay nhưng yêu cầu cao hơn năm ngoái” - thầy Hùng nhận xét.
Đề tiếng Anh nặng
Đánh giá về môn tiếng Anh trong đề thi tham khảo lần này, thầy Đặng Hồng Công, giáo viên Trường THPT Bình Sơn, Sông Lô, Vĩnh Phúc, cho rằng so với đề thi minh họa công bố hai lần trước thì đề lần này không có thay đổi về cấu trúc và hình thức. Đề thi vẫn duy trì bảy nhóm câu hỏi chính gồm: Bài tập ngữ âm (phát âm với phần gạch chân và so sánh trọng âm); tìm lỗi sai; từ đồng nghĩa-trái nghĩa; bài từ vựng-ngữ pháp tổng hợp; kỹ năng giao tiếp; kỹ năng viết và kỹ năng đọc. Trong mỗi nhóm câu hỏi có chia ra các dạng yêu cầu riêng với các mức độ khác nhau nhằm phân loại TS, đáp ứng hai mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH.
Thầy Công cho rằng điểm mới của bài thi tham khảo môn tiếng Anh lần này là bài từ vựng-ngữ pháp tổng hợp với 12 câu có sự thay đổi về tỉ lệ giữa từ vựng và ngữ pháp (tỉ lệ 6-6, tức 50-50). Trong khi hai lần trước thì từ vựng chỉ chiếm 4/12 câu phần này. Việc tăng câu hỏi từ vựng gây khó cho TS nhiều hơn vì đại đa số học sinh làm bài ngữ pháp tốt hơn là từ vựng. Các bài đọc có lượng từ nhiều hơn, đương nhiên gây khó cho TS hơn.
“Đề thi minh họa môn tiếng Anh lần này có xu thế khó hơn so với các lần trước. Kỳ thi THPT quốc gia 2016 biểu điểm môn tiếng Anh là thấp nhất trong số các môn dự thi, vì thế cần có sự cân nhắc để năm 2017 này kết quả kỳ thi khả quan hơn” - thầy Công nói.
Đề môn toán bao quát chương trình lớp 12 Nội dung đề thi bao quát toàn bộ chương trình toán lớp 12. Các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó theo bốn mức độ: Nhận biết, thông hiểu (chiếm 60%), vận dụng thấp và vận dụng cao (chiếm 40%). Để đạt kết quả tốt, học sinh cần ôn tập, hệ thống toàn bộ kiến thức. Tránh tình trạng học lệch, học tủ cũng như sa đà vào các bài toán quá khó, các bài toán thực tế trên các mạng xã hội. Thầy NGUYỄN TUẤN LÂM, tổ trưởng môn toán Trường THPT Thành Nhân ______________________________ Được biết kỳ thi THPT quốc gia 2017, TS sẽ thi các bài thi gồm ba bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và hai bài thi tổ hợp là KHTN (gồm các môn lý, hóa, sinh), khoa học xã hội (KHXH) (gồm các môn sử, địa, giáo dục công dân). Trừ bài thi môn văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm. Bài thi KHTN, KHXH sẽ có 120 câu, trong đó mỗi môn thi thành phần là 40 câu, sắp xếp theo thứ tự. Bài thi KHTN có thứ tự là lý, hóa, sinh. Bài thi KHXH có thứ tự là sử, địa, giáo dục công dân. Năm nay kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra từ ngày 21 đến 24-6. Chiều 21-6, các TS đến phòng thi nghe phổ biến quy chế thi, lịch thi. Sáng 22-6, TS làm bài môn thi đầu tiên. |