Chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước nới rộng

Mở cửa hôm nay, hầu hết thương hiệu vàng lớn tại TP HCM tăng 220.000 đồng chiều thu gom và bán ra so với sáng 23/5, lên 41,24-41,44 triệu đồng một lượng. Tuy nhiên, nếu so với mức giá hôm đầu tuần thì giá hiện nay rẻ hơn gần 800.000 đồng một lượng.

Tại Hà Nội, tính đến 8h40, các doanh nghiệp lớn cũng niêm yết giá thu gom bằng với TP HCM nhưng bán ra đắt hơn 20.000 đồng, quanh 41,46 triệu đồng mỗi lượng. Trong khi đó, Tập đoàn DOJI công bố mua bán lẻ vàng miếng SJC là 42,06-42,18 triệu đồng. Biên độ mua bán là 120.000 đồng. Mua sỉ của đơn vị này đắt hơn bán lẻ 20.000 đồng chiều mua vào, còn bán ra rẻ hơn 20.000 đồng mỗi lượng khi công bố tại 42,08-42,16 triệu đồng.

Trên thị trường thế giới, giá vàng vừa trải qua một phiên biến mạnh. Giữa phiên New York, có lúc giá mất tới 37 USD, rơi xuống 1.532 USD một ounce, thấp hơn 2% so với phiên liền trước, do đồng euro xuống mức thấp 20 tháng so với USD.

Tuy nhiên, sau đó giá đảo chiều nhờ hoạt động mua bù của các quỹ đầu cơ sau làn sóng bán tháo đầu phiên. Theo đó, giá dần hồi phục khi về cuối phiên và chốt cửa ngày tại mức 1.562 USD, chỉ còn thấp hơn 7 USD so với phiên liền trước. Trong khi đó, thị trường vàng kỳ hạn đóng cửa sớm hơn nên không kịp phục hồi và chịu mất giá tới 28,60 USD, tương đương 1,76% xuống sát 1.548 USD một ounce.

Đến sáng nay tại thị trường châu Á, giá vàng giao ngay chưa xác định rõ hướng đi. Tính đến 8h30 theo giờ Hà Nội, mỗi ounce vàng đang giao dịch quanh 1.560,90 USD.

Nếu căn cứ theo tỷ giá 20.900, mỗi lượng vàng quy đổi hiện tương đương 39,32 triệu đồng. Như vậy, mức giá này vẫn còn cao hơn giá mua bán của các thương hiệu vàng miếng trong nước lần lượt là 1,92 - 2,12 triệu đồng.

Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh và đầu tư vàng Việt Nam cho rằng, hiện nay, để ổn định giá USD, Ngân hàng Nhà nước không cho nhập vàng nên nguồn cung bị co hẹp. Trong khi đó, cầu vàng trong dân vẫn diễn ra khiến cung cầu lệch nhau.

Do đó, theo ông Hải, việc này đã đẩy Việt Nam vào chỗ cô lập với thị trường vàng thế giới, dẫn đến tình trạng giá vàng quốc tế tăng, Việt Nam cũng tăng nhưng không nhiều, và khi kim loại quý thế giới giảm, trong nước cũng giảm nhưng nhỏ giọt khiến khoảng cách vàng nội, ngoại ngày càng tăng cao.

"Để giải quyết tình trạng này, về lâu dài Nhà nước nên cho lập sàn vàng, vừa đáp ứng nhu cầu đầu tư vàng của người dân, vừa không gây áp lực đến tỷ giá", ông Hải nói.

Theo Lệ Chi (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm