Chiều 28-4, TAND Tối cao tổ chức phiên họp Hội đồng nghệ thuật xây dựng tượng vua Lý Thái Tông và cố chánh án TAND Tối cao qua các thời kỳ.
Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao chủ trì phiên họp.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói việc dựng tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng của ngành tòa án và hoạt động xét xử đã được tiến hành từ lâu.
Quá trình lấy ý kiến rất công phu và có tới 85% ý kiến đồng thuận chọn vua Lý Thái Tông làm biểu tượng ngành tòa án. Mấy hôm nay công luận, dư luận cũng rất nhiều ý kiến phong phú, đa dạng.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói mọi ý kiến đều thiện chí và cần được lắng nghe. Hội đồng nghệ thuật sẽ lắng nghe các ý kiến, sau đó báo cáo cấp có thẩm quyền. Ảnh: CHÂN LUẬN
“Tất cả ý kiến đều thiện chí và chúng ta phải lắng nghe. Hôm nay, chúng ta nghe ý kiến các nhà chuyên môn, tham khảo ý kiến các thành viên hội đồng, các nhà sử học. Sau đó, sẽ có báo cáo cấp có thẩm quyền để quyết định” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Ông Bình cũng thừa nhận dư luận hết sức quan tâm đến vấn đề dựng tượng vua Lý Thái Tông làm biểu tượng ngành tòa án và hoạt động xét xử, nên cần phải hết sức lắng nghe.
“Phải làm sao thuyết phục được người dân. Chúng ta cố gắng làm những việc để có tác dụng cao nhất. Nếu không có tác dụng thì cũng không nên” - Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.
Báo cáo về quá trình đề xuất, lấy ý kiến việc xây dựng tượng vua Lý Thái Tông, ông Ngô Tiến Hùng, Chánh văn phòng TAND Tối cao cho rằng việc này đã được lấy ý kiến rộng rãi trong ngành tòa án, các nhà chuyên môn, sử học, văn hóa…
Việc lựa chọn vua Lý Thái Tông làm biểu tượng hoạt động xét xử là hết sức chặt chẽ, đạt được sự nhất trí cao.
Báo cáo do ông Nguyễn Tiến Hùng đọc còn cho rằng việc xây dựng tượng vua Lý Thái Tông còn để tôn vinh các bậc tiền nhân, nhất là công trạng của các vị trong lập pháp và tư pháp.
Về số lượng, ông Hùng đọc trong báo cáo: “Chỉ xây dựng một tượng vua Lý Thái Tông, đặt tại trụ sở TAND Tối cao, không xây dựng ở các nơi khác. Việc thiết kế và kinh phí xây dựng nằm trong gói xây dựng trụ sở TAND Tối cao mới, đã được phê duyệt không xây dựng ở các nơi khác”.
Ông Ngô Tiến Hùng sau đó cũng liệt kê nhiều ý kiến, kể cả các ý kiến trái chiều trên các phương tiện truyền thông những ngày qua.
Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, tác giả bức tượng vua Lý Thái Tông, biểu tượng ngành tòa án trước khi trình bày, thuyết minh các mẫu phác thảo vua Lý Thái Tông chia sẻ tâm tư của mình. Ông Cường nói ông cũng rất bất ngờ vì dư luận quan tâm lớn đến việc xây dựng tượng vua Lý Thái Tông như vậy.
Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, tác giả mẫu tượng vua Lý Thái Tông nói ông chịu nhiều áp lực và chưa bao giờ thấy áp lực lớn như vậy. Ảnh: CHÂN LUẬN
“Bình thường làm nghệ thuật điêu khắc thì cũng chỉ trong nội bộ ý kiến thôi. Nhưng lần này cả thế giới bàn. Điều đó làm tôi thực sự… choáng” - ông Cường nói.
Ông Cường thừa nhận, tất cả ý kiến làm cho ông thấy rất áp lực. Bởi ý kiến ủng hộ cũng nhiều, ý kiến phản ứng cũng lắm, ý kiến lề trái, lề phải cũng có, nên đây là một sức ép với ông.
“Tôi năm nay ngoài 70 rồi. Làm việc này thì là vì vui và trách nhiệm mà làm, còn nếu bị sức ép quá khéo bị… tăng xông” - ông Cường nói.
Ông Dương Trung Quốc, nhà sử học, ĐBQH khi phát biểu cũng chia sẻ cảm giác với nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường. Ông Quốc nói cần phải lắng nghe, tiếp thu các ý kiến để việc dựng tượng vua Lý Thái Tông không bị khiên cưỡng.
Phiên họp vẫn đang tiếp tục diễn ra